Đảo Trần - “Trường Sa” vùng biển Đông Bắc khởi sắc từng ngày

Năm 2014 này, đảo Trần (Quảng Ninh) đón một sự thay đổi lớn khi có đến 17 ngôi nhà khang trang được hoàn thiện trên đảo và hiện đã đón thêm 15 hộ dân ra đảo sinh sống.
Đảo Trần - “Trường Sa” vùng biển Đông Bắc khởi sắc từng ngày ảnh 1Những ngôi nhà khang trang của cư dân đảo Trần. (Ảnh: Xuân Tùng/Vietnam+)

Đảo Trần, Quảng Ninh, là điểm tiền tiêu của vùng biển Đông Bắc Tổ quốc (nằm phía đông bắc quần đảo Cô Tô và chỉ cách đường phân định vịnh Bắc Bộ 7 hải lý), đảo có vị trí rất quan trọng về an ninh quốc phòng, được ví là “Trường Sa vùng Đông Bắc.”

Đảo Trần có diện tích không lớn, trước đây chỉ có bộ đội biên phòng và một hộ dân sinh sống. Tuy nhiên giờ đây, với quyết tâm cao của tỉnh Quảng Ninh, đảo Trần đang có những bước đổi thay lớn lao.

Đảo Trần đã hết hoang vu

Nếu so sánh đảo Trần của hiện tại với đảo Trần của một vài năm trước, những người đã có thời gian gắn bó với đảo có thể thấy rõ những thay đổi to lớn, đáng tự hào.

Trước đây, đảo Trần đúng như cái tên của mình - trần trụi, hoang vu, khắc nghiệt với sóng gió quanh năm.

Năm 2006 là mốc đáng nhớ với hòn đảo này khi lần đầu tiên có hộ dân ra sinh sống. Đó là gia đình anh Hoàng Văn Hiển, chị Nguyễn Thị Cảnh, thường được những người đến sau gọi vui không khác gì vợ chồng Mai An Tiêm thủa xưa ra đảo vắng khai khẩn, lập nghiệp.

Nhớ lại những ngày đầu ra đảo, chị Cảnh chia sẻ, đảo Trần khi đó không có một dân nào sinh sống, cả đảo không có đất canh tác, thừa nước mặn mà khan hiếm nước ngọt. Trên đảo chỉ có bộ đội biên phòng của Tiểu đoàn đảo Trần. Những ngày đầu anh chị ra đảo đã nhận được sự chia sẻ giúp đỡ tận tình của các chiến sỹ biên phòng.

 

Là người gốc ở huyện Hải Hà (Quảng Ninh), trước đó, vợ chồng chị Cảnh đi biển, buôn bán ở bến, dù vất vả nhưng cũng không đến nỗi thiếu ăn.

Trong một lần ra khu vực đảo Trần thu mua thủy sản, anh Hiển nhận thấy nếu làm căn nhà tạm ở đây vừa đánh bắt, vừa mua gom thì cơ hội làm ăn sẽ khá hơn.

Tìm ra một hướng đi mới, anh Hiển về bàn với gia đình chuyển cả vợ con ra đảo Trần sinh sống.

“Ban đầu khi nghe tin ấy, nhiều người cho rằng vợ chồng tôi bị khùng. Ra đó có khác gì bị đi đày vì đảo hoang vu, không dân sinh sống, điện không có, nước ngọt thì khan hiếm,” anh Hiển hồi tưởng những ngày gian khó.

Từ đó đến nay đã hơn 8 năm ghi dấu mốc hộ dân đầu tiên định cư ở đảo Trần. Đến năm 2014 này, đảo Trần đón một sự thay đổi lớn khi có đến 17 ngôi nhà khang trang được hoàn thiện trên đảo và hiện đã có thêm 15 hộ dân ra đảo sinh sống.

Ðây là 17 căn nhà mới xây trong tổng số 30 căn nhà (giai đoạn 1) mà Tổng công ty Ðông Bắc vừa bàn giao cho những cư dân đầu tiên trong dự án đưa dân ra đảo Trần sinh sống.

Đứng bên cạnh ngôi nhà trị giá gần cả tỷ đồng của mình, anh Trần Văn Nhật, một trong 15 hộ dân ra đảo đợt đầu như vẫn chưa hết xúc động: “Cả đời đi biển, vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ mình xây được ngôi nhà khang trang, vững chắc như này. Dân đảo chỉ mong muốn chính quyền tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng để người dân yên tâm bám biển."

Tuy mới chỉ có 15 hộ dân, nhưng đảo Trần đã có hai lớp học cho những đứa trẻ theo cha mẹ lập nghiệp ở đảo. Ba cô giáo trẻ mới ra đảo nhận công tác đều rất nhiệt huyết dù biết sẽ gặp không ít khó khăn.

Bên trong lớp học rộn rã tiếng trẻ, cô giáo Hoàng Thị Huyền chia sẻ, đảo rất cần tinh thần xung kích của tuổi trẻ. Cô giáo Huyền tin tưởng rằng việc chính quyền quan tâm đầu tư cở sở vật chất trên đảo sẽ giúp việc giảng dạy, học tập không khác nhiều so với trong đất liền.

Trước sự thay da đổi thịt của đảo Trần khác xa với sự vắng lặng cách đây gần 10 năm, chị Cảnh phấn khởi tin rằng khi điện lưới được kéo về, hòn đảo này sẽ còn thay đổi, trù phú hơn nữa.

Để dân bám đảo bám biển

Vận động nhân dân ra đảo Trần sinh sống là một chủ trương lớn đã được đưa vào nghị quyết của Quảng Ninh. Đặc biệt, đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt đảo Trần là một trong năm đảo thanh niên của toàn quốc, vấn đề di dân ra đảo càng bức thiết hơn.

Tuy nhiên, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng và di dân thành công ra một hòn đảo còn hoang vu cách xa đất liền như đảo Trần không phải là việc dễ dàng.

Đại tá Bùi Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc kiêm Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng nhà ở đảo Trần cho biết: “Xây dựng 30 căn nhà trong dự án gặp rất nhiều khó khăn, từ việc khảo sát, lập phương án thi công cho đến việc giải phóng mặt bằng, vận chuyển phương tiện máy móc cùng hơn 20 tấn thuốc nổ từ đất liền ra để bạt đồi, lấp biển. Theo dự tính xây dựng mỗi căn nhà là 700 triệu đồng nhưng khi hoàn thiện bị đội giá lên gần 1 tỷ đồng/1 căn. Nhưng với quyết tâm cao nhất, chúng tôi đã hoàn thành và bàn giao được 17 căn nhà cho những hộ dân đầu tiên."

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc thì chia sẻ trên thực tế, một số dự án di dân ra hải đảo, biên giới đã không thành công, sau một thời gian, dân bỏ nhà mới trở về quê cũ rất nhiều.

Lý do vì lâu nay việc di dân phần lớn thực hiện theo phong trào, thiếu đồng bộ, không sâu sát với đời sống người dân. Ở nhiều dự án, dân miền núi thì chúng ta đưa xuống biển, còn dân miền biển thì chúng ta lại đưa lên núi, bởi vậy họ khó hòa nhập môi trường mới, không ổn định được cuộc sống.

Ông Đọc nhấn mạnh: "Việc đưa dân ra đảo Trần sinh sống có cách làm khác các dự án di dân trước đây. Chúng tôi lấy dân làm gốc, chọn đúng dân làm nghề biển để đưa ra đảo sinh sống. Người dân đảo Trần còn được tham gia chọn vị trí dựng nhà, cũng như chọn mẫu nhà hợp lý. Đặc biệt, nơi ở mới ngay từ đầu đã được đồng bộ từ hạ tầng cho đến điện, nước, y tế, giáo dục… để người dân yên tâm bám biển bám đảo."

Hiện đảo Trần đã được đầu tư sửa chữa 3 hồ chứa nước ngọt đủ điều kiện tích 100.000m3; nguồn nước sinh hoạt đã được đấu nối từ bể xử lý nước đến 17 căn nhà; 2 máy phát điện được lắp đặt, vận hành.

Trên đảo đã có 2 lớp học cho 10 trẻ mầm non và 5 trẻ ở độ tuổi tiểu học. Về y tế, đảo Trần sẽ thực hiện mô hình dân quân y kết hợp, phát huy công năng trạm y tế của bộ đội biên phòng cùng với việc tăng cường trang thiết bị, đội ngũ y, bác sỹ.

Tỉnh cũng sẽ tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đánh bắt hải sản; đồng thời đề xuất việc kéo điện lưới ra đảo Trần; tích cực chuẩn bị cho việc triển khai phủ sóng viễn thông trên đảo.

Các hộ ra đảo sẽ được vay vốn hỗ trợ để sửa chữa, đóng mới tàu, thuyền, mua ngư lưới cụ, dịch vụ hậu cần nghề cá... Trẻ em học mẫu giáo, học phổ thông trên đảo được miễn học phí. Dân cư trên đảo được cấp thẻ bảo hiểm y tế 100% để khám, chữa bệnh…

 

Những cư dân mới của đảo có thể là những ngư dân đánh bắt quanh đảo Trần, cán bộ chiến sỹ đóng quân trên đảo đưa gia đình ra sinh sống hay cán bộ trẻ có trình độ được điều động... Họ sẽ bằng sức lực và trí tuệ của mình cùng nhau làm ăn sinh sống, phát triển xã đảo, góp phần cùng với bộ đội biên phòng khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục