Hàng chục năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước bức xúc vì diện tích đất canh tác bị ngập do Dự án Thủy điện Đăk U (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Thủy điện Phú Tân) gây ra.
Người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thỏa thuận được bồi thường, hỗ trợ.
Mỏi mòn chờ hỗ trợ
Trong quá trình đi vào hoạt động, Nhà máy Thủy điện Đăk U - vận hành từ tháng 12/2009 - đã gây ngập phát sinh, làm ảnh hưởng đến đất canh tác của các hộ dân. Hầu hết các hộ dân nằm trên địa bàn thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa.
Từ khi có Dự án Thủy điện Đăk U, gia đình ông Điểu Minh đã chấp nhận phá bỏ diện tích cây trồng lâu năm để thực hiện dự án. Tuy nhiên, hơn 14 năm qua, hơn 4ha của gia đình bị ngập úng vẫn chưa được hỗ trợ đền bù.
Hiện nay, gia đình chỉ còn lại hơn 0,3ha trồng càphê xen cây điều. Mỗi khi vào mùa mưa hay mưa lớn, đất canh tác bị ngập nước, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây trồng, nguồn thu giảm.
Ông Điểu Minh cho biết: "Tôi là một trong những hộ gia đình có đất ngập do Dự án Thủy điện Đăk U gây ra. Phần lớn diện tích đất gia đình tôi trồng càphê và cây điều. Thế nhưng, từ khi thủy điện đi vào hoạt động, cây điều, cây càphê bị ảnh hưởng, chưa được đền bù. Chủ đầu tư thủy điện chỉ đền bù một số hộ gần đập."
Theo ông Điểu Minh, từ khi diện tích đất canh tác bị ngập, cuộc sống gia đình khó khăn do nguồn thu từ cây điều, cây càphê giảm.
“Đất bị ngập, điều, càphê cũng chết. Hiện tại, gia đình chỉ còn khoảng 0,3ha đất. Vào mùa mưa, nước vẫn tiếp tục ngập tới diện tích còn lại. Chúng tôi chủ yếu sống nhờ đất. Nếu không có đất sản xuất, chỉ có đi làm thuê làm mướn. Rất mong các cấp chính quyền giúp đỡ để gia đình tôi vượt hoàn cảnh khó khăn," ông Minh bày tỏ.
[Kon Tum: Thu hồi đất của hai dự án thủy điện 10 năm không thi công]
Gia đình ông Điểu Nhơn tiếp tục bị ngập thêm 0,3ha mỗi khi mùa mưa về hay mưa lớn. Trước đó, gia đình ông đã được hỗ trợ đền bù 0,7ha. Những năm qua, diện tích còn lại tiếp tục bị ngập úng phát sinh vẫn chưa được hỗ trợ.
Gia đình ông Nhơn và nhiều hộ bị ảnh hưởng mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm có phương án giải quyết cho người dân ổn định cuộc sống.
Trưởng thôn Bù Gia Phúc 2 Nguyễn Văn Học cho biết từ ngày đập thủy điện hoạt động tới giờ, diện tích ngập úng phát sinh 17ha của 18 hộ dân. Diện tích bị ngập úng dẫn đến tình trạng bà con không có đất canh tác, đời sống khó khăn. Thôn đã kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc kết hợp với thủy điện hỗ trợ cho người dân có đất bị ngập ổn định cuộc sống.
Chính quyền vào cuộc
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Bù Gia Mập, Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Thủy điện Phú Tân được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 539612 ngày 16/10/2008 và số BD 752390 ngày 28/7/2011 cho Nhà máy Thủy điện Đăk U.
Nhà máy Thủy điện Đăk U vận hành từ tháng 12/2009. Quá trình vận hành đã gây ngập phát sinh làm ảnh hưởng đến đất canh tác của các hộ dân.
Qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri, Ủy ban Nhân dân huyện Bù Gia Mập nhận được phản ánh của 18 hộ dân thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa với tổng diện tích bị ngập phát sinh khoảng 17ha.
Ủy ban Nhân dân huyện đã nhiều lần gửi văn bản và làm việc trực tiếp Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Thủy điện Phú Tân, đề nghị công ty sớm thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất, cây trồng và vật kiến trúc (nếu có) cho các hộ dân có đất bị ngập bởi Dự án Thủy điện Đăk U.
Công ty cam kết sẽ thực hiện việc thỏa thuận và bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân trước ngày 30/11/2022. Tuy nhiên, đến nay, theo Ủy ban Nhân dân xã Phú Nghĩa, công ty vẫn chưa thực hiện bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân có đất bị ngập phát sinh, gây bức xúc trong nhân dân.
Ông Trần Đại Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phú Nghĩa, cho biết Dự án Thủy điện Đăk U gây ngập đất canh tác. Người dân kiến nghị rất nhiều qua các buổi tiếp xúc cử tri, họp thôn hoặc lên trực tiếp Ủy ban Nhân dân xã. Ủy ban Nhân dân xã đã báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để có hướng để giải quyết.
“Đến nay, qua theo dõi, Ủy ban Nhân dân huyện đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh. Ủy ban Nhân dân tỉnh có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương để đôn đốc thủy điện sớm có hướng hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công ty chưa có động thái gì hỗ trợ cho người dân," ông Trần Đại Lợi cho biết./.