Dấy lên hy vọng cho giải pháp hai Nhà nước Israel và Palestine

Việc tổ chức bầu cử tự do và công bằng trên các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng sẽ giúp “mở đường” cho việc khôi phục nền tảng chính trị hợp pháp để hiện thực hóa giải pháp hai Nhà nước.
Dấy lên hy vọng cho giải pháp hai Nhà nước Israel và Palestine ảnh 1Toàn cảnh khu định cư Tekoa của Israel tại khu Bờ Tây chiến đóng, phía nam Bethlehem, ngày 17/11/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang moderndiplomacy.eu đưa tin việc tổ chức bầu cử tự do và công bằng trên các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng sẽ giúp “mở đường” cho việc khôi phục nền tảng chính trị hợp pháp để hiện thực hóa giải pháp hai Nhà nước vốn được tìm kiếm lâu nay.

Đó là tuyên bố của ông Tor Wennesland, Điều phối viên đặc biệt về Tiến trình hòa bình Trung Đông, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên hợp quốc về khu vực, trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 26/2 vừa qua.

Điều phối viên Wennesland, cũng là đại diện cá nhân của Tổng thư ký Liên hợp quốc, nói: “Nhiệm vụ này vô cùng khó khăn, nhưng không phải là không thể vượt qua. Chúng ta phải nắm bắt các cơ hội mới xuất hiện.” Và cuộc bầu cử sắp tới là một cơ hội như vậy.

Theo nhà ngoại giao Liên hợp quốc, việc tỷ lệ cử tri đăng ký đi bỏ phiếu “cực kỳ cao” ở Palestine là một phản ứng “hết sức tích cực.”

Ông nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử sẽ tạo ra một bước quan trọng để khôi phục sự đoàn kết dân tộc của người Palestine - và đổi mới tính hợp pháp của các thể chế quốc gia, bao gồm Hội đồng Lập pháp và chính phủ được bầu một cách dân chủ ở Palestine.

Tiến bộ của người Palestine

Ông Wennesland cho biết các phe phái Palestine đang đạt được tiến bộ trong việc tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp, tổng thống và Hội đồng Quốc gia Palestine.

[PLO chỉ trích quan điểm "mơ hồ" của Mỹ về xung đột Israel-Palestine]

Đầu tháng Hai vừa qua, họ đã gặp nhau tại Cairo (Ai Cập), đạt được thỏa thuận về một số vấn đề còn tồn tại và nhấn mạnh rằng các cuộc bầu cử phải được tổ chức trên khắp Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem và Dải Gaza, không có ngoại lệ.

Trong khi đó, hôm 17/2, Ủy ban Bầu cử Trung ương công bố đã có thêm 421.000 cử tri mới đăng ký đi bầu lần này, nâng tổng số cử tri đã đăng ký lên hơn 2,6 triệu - chiếm 93% tổng số cử tri đủ điều kiện tham gia bầu cử, theo ước tính của Cơ quan Thống kê Trung ương Palestine.

“Thật đáng khích lệ khi thấy sự tham gia mạnh mẽ của công chúng vào quá trình dân chủ,” ông Wennesland nói.

Sự ủng hộ của quốc tế

Điều phối viên Wennesland cho biết cộng đồng quốc tế cam kết giúp các bên quay trở lại bàn đàm phán.

Hôm 8/2 vừa qua, Liên đoàn các quốc gia Arab đã tái khẳng định ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền dựa trên các đường ranh giới năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine.

Các đặc phái viên của Bộ tứ Trung Đông- gồm Liên bang Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc - đã nhóm họp hôm 15/2 vừa qua để thảo luận về các diễn biến chính trị và tất cả đã nhất trí nhóm họp thường xuyên.

Một văn bản tóm tắt về cuộc họp trực tuyến hôm 23/2 của Ủy ban Liên lạc đặc biệt cũng nhấn mạnh rằng các bên đã thể hiện cam kết mới về tăng cường hợp tác.

Về phần mình, Liên hợp quốc đang làm việc với các bên và các đối tác quốc tế để giải quyết các nhu cầu cấp bách về kinh tế-xã hội của người Palestine, kể cả trong bối cảnh đại dịch.

Liên hợp quốc cũng đang thúc đẩy mục tiêu chấm dứt sự chiếm đóng và hiện thực hóa giải pháp “hai Nhà nước” được thương lượng dựa trên các nghị quyết của Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận trước đó.

Triển khai vắcxin ngừa COVID-19

Về triển vọng tiêm vắcxin ngừa COVID-19, Wennesland hoan nghênh việc công bố chiến lược tiêm chủng của Palestine và việc COVAX-AMC đã phân bổ ban đầu cho Bộ Y tế Palestine 37.440 liều vắcxin.

Trong tháng Hai vừa qua, Nga và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã gửi 30.000 liều vắcxin tới người Palestine, bao gồm cả ở Gaza.

Trước đó, Israel đã giao 5.200 liều vắcxin cho Chính quyền Palestine, tiêm chủng cho 5.000 nhân viên ngành giáo dục và y tế của Palestine làm việc tại Israel và nỗ lực tiêm chủng cho người dân ở Đông Jerusalem, hiện đã hoàn thành 50%.

Phá dỡ các công trình

Đề cập các diễn biến trên thực địa, ông Wennesland bày tỏ lo ngại về việc Israel phá hủy hoặc chiếm giữ 170 công trình kiến trúc của người Palestine ở Khu vực C và 10 ở Đông Jerusalem, với lý do các công trình này không có giấy phép xây dựng do Israel cấp, điều mà người Palestine gần như không thể xin được.

Căng thẳng khu vực âm ỉ

Về tình hình khu vực nói chung, tại Cao nguyên Golan, ông Wennesland cho biết lệnh ngừng bắn giữa Israel và Syria nhìn chung vẫn được duy trì.

Tuy nhiên, tình hình an ninh tiếp tục có nhiều biến động, các bên tiếp tục vi phạm Thỏa thuận giải giáp lực lượng năm 1974.

Ở Liban, người dân đang phải đối mặt với khó khăn ngày càng tăng do điều kiện kinh tế xấu đi và tác động của đại dịch COVID-19.

Trong khu vực hoạt động của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Liban (UNIFIL), các vụ đấu pháo dữ dội giữa Lực lượng Phòng vệ Israel và Lực lượng vũ trang Liban qua Đường Xanh đã góp phần làm gia tăng căng thẳng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục