ĐBQH: Băn khoăn về thời hạn chung cư, 'bong bóng' thị trường BĐS

Nhiều Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ đã có những ý kiến đóng góp về vấn đề về nhà ở xã hội, cảo tạo chung cư cũ trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
ĐBQH: Băn khoăn về thời hạn chung cư, 'bong bóng' thị trường BĐS ảnh 1Qua 45 năm tồn tại, đến nay nhiều dãy nhà chung cư cũ 60 Thổ Quan đã xuống cấp với mức độ nguy hiểm. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Nhiều Đại biểu Quốc hội rất kỳ vọng với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ rà soát, có các giải pháp để xử lý căn cơ về cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

Cần quy định thời hạn sở hữu chung cư

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vào sáng 5/6, các ý kiến của các Đại biểu Quốc hội nêu quan điểm cần có quy định thời hạn sở hữu chung cư.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đoàn Thừa Thiên-Huế đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng các quy trình đưa dân cư ra ngoài khu vực chung cư nguy hiểm, quy định tái định cư bồi thường nhà ở chung cư… vì hiện tại vẫn chưa đầy đủ.

Bà Sửu cũng đặt ra thắc mắc khi các chung cư Việt Nam chưa có đánh giá tổng thể mức độ xuống cấp, nguy hiểm cần sửa chữa hoặc không sửa chữa và để bảo đảm thực hiện hiệu quả chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì tác động đến quy hoạch nhà ở như thế nào?

Đối với các quy định tại Chương V về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đại biểu Nguyễn Thị Yến, đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng thời hạn sử dụng của một chung cư được tính từ khi nghiệm thu nhà chung cư đưa về xây dựng vào sử dụng theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 60) là khoản 70 năm và hết thời hạn sử dụng thì Nhà nước phải thu hồi đất, vậy có đặt ra vấn đề hỗ trợ, tái định cư không? vì sử dụng có thời hạn chứ không phải vĩnh viễn nên cần có quy định rõ.

[Cải tạo chung cư cũ: Việc cấp thiết, cần Nhà nước sắm vai ‘trọng tài']

Dẫn ra thực trạng các chung cư cũ tại Hà Nội hiện nay rất vướng mắc trong cải tạo, xây dựng mới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tán thành phải có thời hạn chung cư, bởi các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, chung cư cũ thuộc sở hữu cá nhân, hộ gia đình, nên phải gắn với tái thiết đô thị và có thời hạn chung cư mới giải quyết được vấn đề này.

Với dự án nhà ở thương mại, ông Dũng đề nghị bổ sung thêm chế tài quy định cụ thể nhà đầu tư phải đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội, đảm bảo đồng bộ và tiến độ bởi nhiều khu làm nhà ở bán xong nhưng quay đi quay lại rất thiếu hạ tầng xã hội, trường học, bệnh viện.

“Có những dự án làm 20 năm nay mà chưa xây được trường học trong khi dân đã vào ở hết. Đây là thực tế mà Hà Nội đang phải tập trung giải quyết khi thiếu cả bệnh viện, bãi đỗ xe,” Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay.

Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, đoàn Lai Châu cho rằng nhất thiết phải xây dựng nhà ở theo quy hoạch vì nhà ở gắn với hạ tầng xã hội.

“Nếu xây dựng chung cư mà quên trường học, y tế, không đồng bộ thì sẽ trở thành vấn đề xã hội lớn, mà thực tế là ở Hà Nội nhiều khu tuy có quy hoạch nhưng trường xây dựng lại bị chậm hàng chục năm,” đại biểu Toàn nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị có các quy định, xử lý đối với các công trình, dự án treo không có khả năng triển khai trong 5-10 năm tới.

Có van để khóa ‘lướt sóng’ bong bóng bất động sản

Đại biểu Đinh Ngọc Minh, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau khẳng định chúng ta vẫn chưa có van để khóa tình trạng "bong bóng" bất động sản và nhà ở.

Lấy dẫn chứng vừa qua "bong bóng" bất động sản này khiến Trung Quốc dư 30 triệu ngôi nhà, Nhật Bản đang dư 3 triệu ngôi nhà, ông Minh đưa ra kinh nghiệm hầu hết các nước châu Âu, Hàn Quốc đều có van điều tiết thị trường bất động sản bằng cách đánh thuế mua ngay, bán ngay (mua lướt sóng).

“Nếu trong trường hợp đối tượng được mua theo đúng chính sách mà bán nhà đó cho người khác, Nhà nước thu lại thuế gần 50% lợi nhuận, năm thứ 2 thu ít đi và đến năm thứ 10 mới được nguyên giá thuế thông thường. Do đó, Chính phủ nên nghiên cứu xem xét có van điều tiết nhằm chống ‘lướt sóng’ và gây bong bóng bất động sản, bởi nếu không điều này sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế,” đại biểu Minh phân tích.

[Quy định rõ trách nhiệm quỹ đất, kinh phí đầu tư xây dựng nhà ở xã hội]

Trong khi đó, đại biểu Tống Văn Bằng, đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng lại đề cập tới việc xây dựng nhà trọ cho công nhân tại các khu vực gần khu công nghiệp, nếu không có quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp tham gia vào chương trình xây dựng nhà ở xã hội, bởi chỉ cần nguồn điện hạn chế thì công nhân không đảm bảo sức khỏe, không đảm bảo phòng chống cháy nổ.

ĐBQH: Băn khoăn về thời hạn chung cư, 'bong bóng' thị trường BĐS ảnh 2Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận ở tổ. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đề cập đến loại hình nhà ở lưu trú cho công nhân (mô hình lấy từ Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng được triển khai từ khi có COVID-19), ông Bằng cho biết người công nhân cuối cùng vẫn phải về quê vì điều kiện không gian sống không đảm bảo.

Do đó, trong trường hợp nếu có dịch bệnh như COVID-19 hoặc vấn đề gì đó xảy ra trong thời gian tới, ông đề nghị Chính phủ, Tổng liên đoàn lao động cần quan tâm vấn đề này để cụ thể hóa trong dự thảo về Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận thấy hiện nay phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật mới quy định đối với đối tượng là nhà ở mà chưa đề cập đến dự án hỗn hợp (trong khi đó, nhà chung cư hỗn hợp gồm có nhà ở, căn hộ thương mại, nhà phố thương mại).

Vì vậy, đại biểu Yến đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung điều chỉnh thêm đối với dự án hỗn hợp và quy định dự án hỗn hợp thì việc quản lý sử dụng thực hiện theo luật này. Trường hợp các dự án độc lập (như căn hộ du lịch, cửa hàng, văn phòng) thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản và pháp luật khác liên quan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục