ĐBSCL chung sức ứng phó với biến đổi khí hậu

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng dễ tổn thương nhất trên trái đất do biến đổi khí hậu, với những tác động nặng nề.
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng dễ tổn thương nhất trên trái đất do biến đổi khí hậu, những diễn biến thời tiết ngày càng xấu đi đã và đang tác động ngày càng nặng nề lên khu vực này.

Những kịch bản biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ xảy ra

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra kịch bản, nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 70% diện tích đất ở Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn, mất khoảng hai triệu ha đất trồng lúa. Nhiều địa phương sẽ bị chìm trong nước.

Cụ thể, Bến Tre mất 1.131km2 (hơn 50% diện tích ), Long An mất 2.169km2 (gần 50%), Trà Vinh mất 1.021km2 (gần 46%), Sóc Trăng mất 1.425km2 (gần 44%), Vĩnh Long mất 606km2 (gần 40%)...

Theo kịch bản này, thời gian ngập úng ở Đồng bằng sông Cửu Long có thể kéo dài từ 4 đến 5 tháng, 38% diện tích đồng bằng bị nhấn chìm, 90% diện tích đồng bằng có thể bị nhiễm mặn, sẽ có 8,5 triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long bị mất nhà ở. Cuối thế kỷ 21, nhiệt độ có thể tăng 2,3°C so với trung bình thời kỳ 1980-1999.

Giáo sư Trần Thục, Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường Quốc gia, cho biết biến đổi khí hậu đã làm cho thiên tai ngày càng ác liệt hơn. Bão mạnh xảy ra nhiều hơn, đường đi của bão có xu hướng dịch chuyển về phía Nam, số ngày nắng nhiều hơn, nhiệt độ trung bình trong 30 năm qua tăng 0,5°C, mực nước biển tăng 3mm/năm, mưa lớn dị thường xảy ra nhiều hơn".

Đến nay, chưa có thống kê, nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về tình hình biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đều khẳng định biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra với những biểu hiện bất thường của thời tiết; sự gia tăng mức độ, tần suất của thiên tai.

Không những thế, nhiều dự báo khoa học cho thấy các hiểm họa thiên tai, dịch bệnh sẽ xảy ra ở mức độ nặng nề hơn cho Đồng bằng sông Cửu Long nếu không có giải pháp can thiệp, giảm nhẹ ngay từ bây giờ.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, 408 tỉ m3 nước là tổng lượng dòng chảy bình quân hàng năm từ thượng nguồn vào Đồng bằng sông Cửu Long theo dòng chính sông Tiền và sông Hậu.

Dòng chảy mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vào tháng 6, 7 và kết thúc vào tháng 11, 12.  Tình trạng lũ lụt ngày càng nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long trong khi nơi đây được xem là “điểm đỏ” chịu tác động của biến đổi khí hậu.

"Nếu nhiệt độ nhích lên 1°C, năng suất lúa sẽ giảm 10%. Hệ lụy của biến đổi khí hậu là nguồn lợi thủy sản giảm, lũ mạnh trong mùa mưa, thiếu nước ngọt trong mùa mưa”, ông Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ) dự đoán.

Có thể phỏng đoán tương lai, nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước như Tràm Chim, U Minh Thượng, Láng Sen, Trà Sư, Hà Tiên, Vồ Dơi, Bãi Bồi, Lung Ngọc Hoàng bị đe dọa, ảnh hưởng, yếu tố bền vững sẽ mong manh hơn. Đất canh tác nông nghiệp như lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm.

Ứng phó bằng cách nào?

Những thay đổi, tác động của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long là quá trình lâu dài, có thể dự báo trước nhưng ứng phó có kịp thời, hiệu quả hay không còn tùy vào động thái của cả cộng đồng.

Sự thân thiện với môi trường, bảo tồn tài nguyên để phát triển sẽ là giải pháp hữu hiệu. Và để có kế hoạch hành động khả thi, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cấp lãnh đạo, nhà khoa học, các ban ngành có liên quan. Trong đó, chính quyền đóng vai trò chủ đạo, bởi công tác chuẩn bị, hành động ứng phó lệ thuộc rất nhiều vào thể chế.

Tại cuộc hội thảo về biến đổi khí hậu mới đây, nhiều vấn đề đã được bàn thảo như lập kế hoạch hành động, giải pháp thích ứng, sống chung với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...

Theo đó, việc xây dựng các dự án kiểm soát mặn ở vùng ven biển Gò Công, Bến Tre, Nam Măng Thít, Quản Lộ-Phụng Hiệp, tứ giác Long Xuyên; chuyển đổi thời vụ thích hợp để tránh thời kỳ thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn; xây dựng củng cố các tuyến đê biển và đê cửa sông để kiểm soát mặn và giảm thất thoát nguồn nước... được xem là giải pháp cấp bách.

Trong đó, bảo tồn để phát triển và phát triển để bảo tồn là giải pháp được nhiều nhà khoa học quan tâm. Sự đa dạng sinh học với nguồn tài nguyên sinh vật giàu có, hệ thống rừng đặc dụng không chỉ góp phần rất lớn trong việc cân bằng hệ sinh thái, giảm nhẹ thiên tai mà còn là nền tảng phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đề xuất của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, các địa phương phải hết sức quan tâm bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển.

Ông Nguyễn Xuân Hiền, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho rằng, giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu vẫn còn đang ở giai đoạn khởi đầu, chúng ta cần nhanh chóng đi vào giai đoạn thực thi. “Đây là lĩnh vực cần sự tham gia, đóng góp của mọi tầng lớp xã hội”, ông bày tỏ.

Không chỉ vậy, đối với vấn đề mang tính toàn cầu này, sự tham gia phải ở tầm khu vực và quốc tế. Hiện một “Sáng kiến thích ứng” (CCAI) giữa các nước lưu vực sông Mekong được đề xuất và sẽ triển khai trong ít nhất 15 năm.

Ông Jeremy Bird, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy ban sông Mekong Vientiane, Lào cho biết, ở Việt Nam, tỉnh Kiên Giang được lựa chọn tham gia chương trình. Sáng kiến CCAI có thể giúp hiểu thêm về tác động của biến đổi khí hậu đối với Đồng bằng sông Cửu Long từ góc độ tổng thể trên toàn khu vực sông Mekong.

Tại diễn đàn, ông Jeremy Bird đưa ra một thông điệp thích ứng với biến đổi khí hậu, đó là “Hiện tượng toàn cầu, cộng tác khu vực, hành động địa phương”.

Ông Juzhong Zhuang, Trợ lý kinh tế cao cấp của ADB cũng đồng tình và cho rằng hợp tác khu vực là phương thức giải quyết các vấn đề xuyên biên giới một cách hiệu quả. “Tài trợ quốc tế và chuyển giao công nghệ là yếu tố quan trọng cho sự thành công của các hành động thích ứng và giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu”, ông cho biết.

Hiện nay, có một số dự án quốc tế về thích ứng với biến đổi khí hậu đã và sẽ được triển khai tại Việt Nam như dự án lồng ghép giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào các dự án đang được xây dựng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trị giá 2 triệu USD, dự án tăng cường năng lực về khí hậu và thủy văn cho Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ với trị giá 3,9 triệu USD...

Các chuyên gia bày tỏ tin tưởng, với các giải pháp hiệu quả vừa ngăn chặn vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sức “đề kháng” tốt hơn trước những tổn thương mà biến đổi khí hậu gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục