Để hồ tiêu Việt Nam tiếp tục "thống trị" thị trường thế giới

Hồ tiêu Việt Nam hiện chiếm 50% thị phần thế giới, để phát triển thương hiệu và tăng thị phần, sản phẩm tiêu phải hướng tới mục đích vì người tiêu dùng chứ không được chạy theo lợi nhuận.
Để hồ tiêu Việt Nam tiếp tục "thống trị" thị trường thế giới ảnh 1Thu hoạch hồ tiêu tại Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Sản xuất hồ tiêu xuất khẩu đang là ngành hàng mang lại lợi nhuận cao nhất trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo nếu nông dân ồ ạt chuyển sang trồng tiêu không theo quy hoạch sẽ rất dễ rơi vào cảnh cung vượt cầu khi thị trường thế giới bão hòa, rớt giá.

Chính vì thế ngành sản xuất hồ tiêu Việt Nam cần phải lấy người tiêu dùng làm chuẩn cung-cầu để sản xuất bền vững.

Tránh hiện tượng đầu cơ

Trong 5 năm gần đây, giá hồ tiêu trên thị trường thế giới liên tục tăng, cụ thể như giá xuất khẩu năm 2011 là 5.637 USD/tấn, năm 2014 là 7.847 USD/tấn; 10 tháng năm 2015 ở mức 8.000-9.000 USD/tấn.

Cũng do giá liên tục tăng, từ đầu năm 2015 đến nay, hầu hết các hộ dân trồng tiêu đều giữ hàng sau khi thu hoạch, không bán ngay cho các thương lái và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp diễn cho đến năm 2016 thì giá tiêu có nguy cơ xuống thấp.

Không những vậy, sản lượng tiêu trong năm 2016 thu hoạch được cũng sẽ khó tiêu thụ, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam chia sẻ.

Cho dù các hộ nông dân đã đầu tư nhiều vào ngành sản xuất tiêu, nhưng khâu quan trọng nhất trong sản xuất vẫn còn bị bỏ lỡ, đầu tư chưa tương xứng.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, công tác nghiên cứu giống hồ tiêu hiện nay chưa tương xứng với tình hình phát triển của ngành.

Trung tâm nghiên cứu hồ tiêu mới được thành lập, công tác tuyển chọn, nhập nội, khảo nghiệm giống năng suất cao, chất lượng hạt tốt, chống chịu dịch hại chưa được triển khai có hệ thống.

Công tác quản lý chất lượng giống chưa được quan tâm, chưa có vườn tiêu đầu dòng, chưa hình thành hệ thống sản xuất giống, nông dân tự tuyển chọn, do vậy sự phát triển hồ tiêu Việt Nam thiếu bền vững.

Mặt khác, trên thực tế, hầu hết các hộ nông dân trồng tiêu đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 3 tháng. Vì trong thời điểm này, cây tiêu không phát sinh bệnh. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc thuốc bảo quản hạt tiêu chỉ xảy ra trong quá trình thu mua, tích trữ và lưu kho.

Bởi vậy, nếu các cơ quan quản lý, các đơn vị kiểm định quy định chặt chẽ quy định sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo quản nông sản thì các nông dân, thương lái, doanh nghiệp sẽ không thể đầu cơ lâu dài, "găm" hàng chờ giá như hiện nay.

Đây cũng là một giải pháp tránh rủi ro thất thoát cho nông dân khi cung vượt cầu, giá xuống, ông Hoàng Phước Bính, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, Gia Lai cho biết.

Vì sức khỏe người tiêu dùng

Trên thực tế, khi chính các nhà quản lý phân biệt hình thức, phương pháp sản xuất theo các tiêu chuẩn như GAP, HACCP, GlobalGAP hoặc sản xuất thông thường để phân biệt giá bán ra của các sản phẩm, vô hình chung đưa vào tư duy người sản xuất chạy theo lợi nhuận thay vì sản xuất với mục đích phục vụ người tiêu dùng. Chính vì vậy, các sản phẩm phải hướng đến người tiêu dùng mới có thể phát triển lâu dài.

Để hồ tiêu Việt Nam tiếp tục "thống trị" thị trường thế giới ảnh 2Phơi hồ tiêu sau khi thu hoạch. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Theo ông Gaspare Colletti, Giám đốc Hiệp hội gia vị Canada, hiện nay tiêu Việt Nam chiếm 50% thị phần thế giới và cũng đã có nhiều mô hình trồng tiêu hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học trong quá trình sản xuất.

Đối với các quốc gia nhập khẩu tiêu, họ có tiêu chuẩn để nhận hàng, nhưng có nhiều nơi sản xuất tiêu vẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt, do đó không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Chính quyền địa phương và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cần phải hướng ý thức người sản xuất làm ra sản phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng, thay vì chạy theo lợi nhuận, tránh phân biệt sản phẩm trồng theo tiêu chuẩn GAP, GlobalGAP, hoặc các tiêu chuẩn khác.

Bên cạnh đó, về phía chính quyền địa phương các khu vực trồng hồ tiêu cần rà soát, đánh giá các điều kiện sinh thái thích nghi với cây hồ tiêu, loại bỏ diện tích ít thích hợp và không thích hợp để phát triển bền vững.

Đến năm 2020, xây dựng vùng hồ tiêu trọng điểm với diện tích 41.500ha tại các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Đắk Nông, Gia Lai và Đắk Lắk.

Ngoài vùng trọng điểm là 8.500ha, tiến đến hình thành vùng sản xuất hồ tiêu tập trung để đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành hệ thống thu mua, chế biến, tiến tới đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất hồ tiêu an toàn, có thương hiệu, ông Nguyễn Văn Hòa cho biết.

Hơn nữa, để ngành tiêu Việt Nam có chất lượng tốt, phục vụ người tiêu dùng với tiêu chí đặt sức khỏe lên hàng đầu, nông dân phải tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật canh tác an toàn, có biện pháp phòng ngừa dịch hại phát sinh trên toàn vùng và có tiếng nói mạnh hơn đối nhà thu mua, chế biến, xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tính đến tháng 11/2015, cả nước có 86.000ha sản xuất hồ tiêu, sản lượng niên vụ 2015 đạt 130.000 tấn, giảm 26.000 tấn so với niên vụ trước.

Hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... với giá bán từ 8.000 đến 9.000 USD/tấn, người nông dân có thu nhập ổn định từ trồng tiêu./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục