Đề nghị mở lại Trung tâm buồng lái mô phỏng để phi công luyện bay

Theo yêu cầu về bảo đảm an toàn khai thác bay, phi công phải duy trì liên tục trình độ kỹ năng, huấn luyện định kỳ trên thiết bị buồng lái mô phỏng (SIM).
Đề nghị mở lại Trung tâm buồng lái mô phỏng để phi công luyện bay ảnh 1Hệ thống Tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay (SIM) đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: VNA cung cấp)

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị cho phép các Trung tâm huấn luyện trên buồng lái mô phỏng (SIM) mở cửa trở lại để phi công hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết theo yêu cầu và Chỉ thị của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, các Trung tâm huấn luyện bay trên địa bàn thành phố đã tạm dừng hoạt động, thực hiện giãn cách xã hội từ đầu tháng Năm để phòng, chống dịch.

“Tuy nhiên, theo yêu cầu về bảo đảm an toàn khai thác bay, phi công phải duy trì liên tục trình độ kỹ năng, huấn luyện định kỳ trên thiết bị buồng lái mô phỏng (SIM). Đây là yêu cầu bắt buộc, không thể thay thế bằng các hình thức huấn luyện khác,” lãnh đạo Cục Hàng không cho hay.

Do vậy, để đảm bảo nguồn lực thực hiện nhiệm vụ và tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch cũng như đảm bảo công tác bay chuyên cơ, các chuyến bay theo yêu cầu đặc biệt, Cục Hàng không đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, cho phép các Trung tâm huấn luyện bay thực hiện huấn luyện trên SIM được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Để đảm bảo hơn nữa công tác phòng chống dịch, Cục Hàng không sẽ tiếp tục yêu cầu các Trung tâm huấn luyện khi thực hiện nhiệm vụ, toàn bộ đội ngũ phi công  tuân thủ triệt để các quy định về phòng, chống dịch; phải được tiêm 2 mũi vaccine và có giấy xét nghiệm âm tính; thực hiện khử khuẩn trước và sau khi sử dụng SIM; thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế; chỉ cho phép tối đa 4 phi công trong một ca huấn trên SIM…

[Khai trương tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay đầu tiên tại Việt Nam]

Cục Hàng không cũng yêu cầu Cảng vụ hàng không miền Nam thực hiện giám sát và cấp giấy đi đường cho phi công và những người thực hiện nhiệm vụ đảm bảo các vấn đề khai thác, kỹ thuật của SIM. Các Trung tâm huấn luyện bay phải theo dõi sát sao thường xuyên tình trạng sức khỏe của phi công trước, trong và sau huấn luyện, báo cáo ngay Cảng vụ hàng không miền Nam và Cục về những vấn đề phát sinh trong khi thực hiện.

Thực tế hiện nay, các hãng hàng không đã và đang tập trung nguồn lực là đội ngũ phi công, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật, đội tàu bay đồng hành cùng Chính phủ để thực hiện các chuyến bay giải cứu đồng bào, chở các đoàn y bác sỹ cũng như lực lượng tuyến đầu đi chống dịch; vận chuyển vaccine, trang thiết bị y tế và đặc biệt thực hiện công tác bay chuyên cơ, góp phần không nhỏ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục