Đêm tỏa sáng của các tài năng nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam

Các nghệ sỹ tham gia Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc đã thể hiện tài năng xuất sắc, đem đến cho khán giả những ấn tượng sâu đậm về nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Đêm tỏa sáng của các tài năng nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam ảnh 1Trích đoạn tuồng "Hồ nguyệt cô hóa cáo" do diễn viên Thanh Phương (Nhà hát Tuồng Việt Nam) biểu diễn đọat giải Nhất cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc 2023. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Tối 17/5, Lễ bế mạc Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc năm 2023 đã diễn ra tại thành phố Thanh Hóa.

Cuộc thi do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức.

Diễn ra từ ngày 6/5, Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc đã trải qua 11 ngày đêm biểu diễn, tranh tài.

Các nghệ sỹ, diễn viên dự thi đã thể hiện tài năng nghệ thuật, đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc, cái nhìn đa sắc màu và những ấn tượng sâu đậm không chỉ về nghệ thuật sân khấu truyền thống, còn bao hàm trong đó nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý báu của dân tộc Việt Nam.

Theo đánh giá của Hội đồng chuyên môn, tín hiệu mừng nhất trong cuộc thi này là chất lượng nghệ thuật của các đơn vị khá đồng đều.

Mỗi diễn viên dự thi đều nỗ lực “thổ tận can tràng," thể hiện tốt nhất phần thi.

Những vai mẫu trong các trích đoạn Chèo cổ truyền như: Thị Mầu, Súy Vân, Châu Long, Lưu Bình, Trần Phương, Cả sứt, Thị Phương, Tuần Ty, Đào Huế, Thầy đồ Trương Viên, Mụ Quán, Lão say…, có nội dung khuyến giáo đạo đức, là những bài học chở nặng triết lý nhân sinh, những tấm gương sáng về tình bạn, về lòng chung thủy, đạo đức gia đình, đề cao chữ hiếu, khao khát tự do, lên án, đả kích, phê phán thói hư tật xấu bằng tiếng cười trào lộng, thâm sâu trong ngôn ngữ nghệ thuật Chèo.

Đêm tỏa sáng của các tài năng nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam ảnh 2Vai diễn Cả Hân trong trích đoạn "Khúc đoạn trường" do nghệ sỹ Lại Xuân Trường biểu diễn đạt giải nhất cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo toàn quốc năm 2023. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Những trích đoạn Tuồng truyền thống, như: "Kim Lân quan đèo," "Nữ tướng Đào Tam Xuân," "Chung vô diệm," "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo," "Lan Anh lạc đẻ," "Phương Cơ qua ải," "Nhị khí Chu Du," "Mộc Quế Anh dâng cây"…, được khai thác dựa trên các yếu tố tự sự, kịch tính, tự tình, làm cơ sở cho nghệ sỹ biểu diễn, phát huy được những yếu tố cơ bản như Thanh-Sắc-Thục-Tinh-Khí-Thần.

[Giải thưởng Hội Nghệ sỹ Sân khấu VN: 4 tác phẩm xuất sắc đạt giải A]

Bên cạnh những thành công của các phần thi, trích đoạn được đầu tư công phu cả về kịch bản, dàn dựng, kỹ thuật nhuần nhiễn điêu luyện của các nghệ sỹ, diễn viên trong ca, diễn…, một số trích đoạn, phần thi chưa được đầu tư, quan tâm một cách nghiêm túc.

Một số trích đoạn, phần dự thi, giữa phần kỹ thuật, hòa âm phối khí, phần ca, diễn của nghệ sỹ, diễn viên cần dàn dựng nhuần nhuyễn, điêu luyện và có điểm nhấn hơn, cần tăng cường các trích đoạn mang ý nghĩa giáo dục cao về tư tưởng, thẩm mỹ, gắn với nền văn hóa dân tộc.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc 2023 là hoạt động cần được duy trì, nâng cao về quy mô và chất lượng.

Đêm tỏa sáng của các tài năng nghệ thuật âm nhạc truyền thống Việt Nam ảnh 3Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại lễ bế mạc. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Hội đồng Giám khảo đã làm việc đầy nhiệt huyết, trách nhiệm, công tâm, khách quan để đóng góp quan trọng cho thành công của cuộc thi.

Cuộc thi khép lại đã để lại dư âm tốt đẹp trong lòng các nghệ sỹ, diễn viên tham dự và công chúng yêu nghệ thuật truyền thống.

Cuộc thi đã thực sự trở thành ngày hội sân khấu để nghệ sỹ, diễn viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sáng tạo nghệ thuật, tiếp thu những tinh hoa âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát có nghệ sỹ, diễn viên dự thi tiếp tục quan tâm, đầu tư kỹ lưỡng cả về con người, vật chất cho các phần thi, các thí sinh; đồng thời, sớm hoàn thiện việc số hóa cơ sở dữ liệu về các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong đó, chú trọng đến nghệ thuật truyền thống.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần có chính sách đãi ngộ đặc thù để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sỹ, diễn viên trẻ, tài năng làm lực lượng kế cận sau này.

Trong tối 17/5, Ban Tổ chức đã trao giải Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo cho 31 diễn viên tài năng, trong đó có 17 giải Nhất, 14 giải Nhì.

Đặc biệt, Ban Tổ chức đã trao một giải Xuất sắc cho người hướng dẫn ca diễn với trích đoạn “Thị Mầu lên chùa” của diễn viên Trịnh Thị Thanh Huyền (Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội); một giải Xuất sắc cho Nghệ sỹ Nhân dân Hàn Hải (Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống tỉnh Thanh Hóa), người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao.

Trước đó, tối 11/5, Ban Tổ chức đã trao 8 giải Nhất, 9 giải Nhì cho các nghệ sỹ; hai giải Xuất sắc cho người dàn dựng trích đoạn có sáng tạo, đạt hiệu quả cao và người hướng dẫn ca diễn trong Cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc 2023.

Cuộc thi Tài năng diễn viên Chèo, Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc năm 2023 thu hút sự tham gia của gần 200 diễn viên đến từ 20 đơn vị nghệ thuật Chèo, Tuồng và Dân ca Kịch chuyên nghiệp trong cả nước.

Cuộc thi đề cao các giá trị nhân văn, về lòng yêu nước, tình nghĩa son sắt thủy chung, đấu tranh với cái xấu, hướng con người tới xã hội lành mạnh, các đức tính cao quý…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục