Di sản đầy tranh cãi

Di sản tranh cãi của ‘Bà đầm thép’ Magaret Thatcher

Margaret Thatcher được tờ Pravda của Liên Xô đặt biệt danh "Bà đầm thép." Bà cũng là lãnh đạo phương Tây đầu tiên bắt tay Gorbachev.
Khi Margaret Thatcher nằm xuống thì cũng là lúc người ta đánh giá lại toàn bộ những di sản của bà, người phụ nữ có ảnh hưởng lớn tới nền chính trị nước Anh trong thế kỷ XX.
Bà được đánh giá là người phục hồi danh tiếng của nước Anh trên thế giới, mối quan hệ gần gũi của bà với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan là yếu tố quan trọng giúp làm tan băng chấm dứt Chiến tranh Lạnh.
Từ việc yêu cầu các nhà lãnh đạo châu Âu trả lại tiền cho Anh, tới chỗ gửi quân tới chiếm lại quần đảo Falklands/Malvinas từ Argentina, bà đã dần gây dựng hình ảnh "Bà đầm thép" thô ráp của mình.

“Bạn thân” của Ronald Reagan
Khi lên nắm quyền vào năm 1979 với tư cách nữ Thủ tướng đầu tiên của Anh, Thatcher có ít kinh nghiệm và thậm chí ít quan tâm về các vấn đề đối ngoại. Ưu tiên chính của bà là phục hồi nền kinh tế đang lụn bại trong nước.

[Chùm ảnh cuộc đời "Bà đầm thép" Margaret Thatcher]
Nhưng cùng năm đó, bà vẫn phê chuẩn việc đưa tên lửa hành trình của Mỹ tới Anh, bất chấp việc bị phản đối dữ dội tại quê hương. Việc điều tên lửa nằm trong nỗ lực của NATO nhằm chống lại cái mà họ gọi là mối đe dọa tăng lên từ Liên Xô.
Khi Reagan lên nắm quyền vào năm 1981, Thatcher đã nhanh chóng hình thành mối quan hệ thân thiết với ông.
Dù lớn lên từ các nền tảng khác nhau, cựu ngôi sao Hollywood và con gái của một chủ cửa hàng tạp hóa vẫn chia sẻ chung các triết lý về nền kinh tế thị trường tự do.
"Tôi đã mất một người bạn thân... một con người vui tươi và đầy sinh lực" - Thatcher nói trong một đoạn video phát đi sau khi Reagan qua đời vào năm 2004 - "Cám ơn vì nhiệm kỳ Tổng thống của anh".
Di sản tranh cãi của ‘Bà đầm thép’ Magaret Thatcher ảnh 1
Margaret Thatcher có mối quan hệ thân cận với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan (Nguồn: Getty Images)
Thatcher cũng là người phương Tây đầu tiên bắt tay với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Năm 1984, khoảng 3 tháng trước khi Gorbachev nắm quyền, Thatcher đã gặp ông này và tuyên bố: "Tôi thích Gorbachev. Chúng tôi có thể bàn chuyện làm ăn với nhau".
Tuy nhiên quan điểm của Thatcher về các vấn đề thời Chiến tranh Lạnh không phải lúc nào cũng hướng về tương lai. Bà nói với Gorbachev rằng "chúng tôi không muốn có một nước Đức thống nhất," chỉ 2 tháng trước khi bức tương Berlin sụp đổ vào tháng 11/1989.
Song chính cuộc chiến của Anh ở quần đảo Falklands/Malvinas mới góp phần quan trọng khiến Thatcher trở thành một nhân vật có sức nặng trên chính trường quốc tế.

“Bà đầm thép”
Quân đội Anh đã đánh bại Argentina trong cuộc chiến tranh giành quần đảo này trong năm 1982, bất chấp việc Mỹ từ chối giúp đỡ - một thấp điểm trong quan hệ giữa Thatcher và Reagan. Việc chiến thắng ở Falklands/Malvinas cũng đã chấm dứt giai đoạn suy giảm kéo dài của quân đội Anh thời hậu đế quốc.
"Chúng ta đã không còn là một quốc gia đang ở thế rút lui nữa" - Thatcher nói sau đó.
Giáo sư địa chính trị Klaus Dodds ở Đại học Hoàng gia Holloway ở London cho AFP biết rằng thái độ của Thatcher về Falklands/Malvinas đã "giúp những người kế nhiệm bà có sự tự tin để đưa quân đội Anh tiến tới nhiều chiến trường khác nhau".
"Khi nghĩ về những nơi nước Anh can thiệp như Bosnia, Sierra Leone, Iraq, Afghanistan, Libya, rất nhiều trong số đó đã chỉ tới sau Falklands," Dodds nói.
Sau vụ Falklands, tờ Pravda của Liên Xô đã đặt cho Thatcher biệt danh là “Iron Lady” (Bà đầm thép). Sự cứng rắn thể hiện đặc biệt rõ trong việc Thatcher đã chống lại việc tập hợp châu Âu thành một khối thống nhất.
Di sản tranh cãi của ‘Bà đầm thép’ Magaret Thatcher ảnh 2
Margaret Thatcher được người dân Mátxcơva chào đón trong chuyến thăm Liên Xô năm 1987 (Nguồn: AfP)

Bà từng ủng hộ Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu trong năm 1975. Nhưng tại một hội nghị châu Âu diễn ra vài tháng sau khi lên nắm quyền vào năm 1979, Thatcher đã nói chuyện với Tổng thống Pháp Valery Giscard d'Estaing và Thủ tướng Đức Helmut Schmidt về số tiền mà Anh đã đóng góp cho châu Âu.
Bà cuối cùng đã thành công trong việc yêu cầu châu Âu giảm tiền Anh phải đóng góp tại một hội nghị diễn ra vào năm 1984, với tuyên bố nổi tiếng: "Chúng tôi chỉ đơn giản là đòi lại tiền của mình".
Theo nhà nghiên cứu William Wallace ở Trường Kinh tế London, châu Âu dần trở thành nỗi ám ảnh với Thatcher. Ông nói rằng "bà ngày càng ít quan tâm hơn tới việc thỏa hiệp". Nhưng chính sự cứng rắn đã dẫn tới việc Thatcher tụt khỏi quyền lực.
Năm 1990, ngay sau khi Thatcher có bài phát biểu nảy lửa tại Hạ viện Anh, trong đó bà thề rằng sẽ nói "Không! Không! Không!" trước việc tăng quyền cho châu Âu, một trong những đồng minh thân cận nhất của bà là Geoffrey Howe đã từ chức. Trước khi ra đi, ông đã đọc một bài phát biểu với sức tàn phá mạnh, trong đó đổ lỗi cho Thatcher là người đã làm tăng chủ nghĩa hoài nghi trong châu Âu.

[Anh sẽ không tổ chức quốc tang cho Bà đầm thép]
Sự kiện này đã gây ra hàng loạt sự kiện khác dẫn tới việc Thatcher phải từ chức trong tháng 11 năm đó.
Khi tổng kết chính sách ngoại giao của Thatcher, Christopher Hill, giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế tại Cambridge nói rằng các chính sách kinh tế của bà lại có ảnh hưởng lớn hơn (chính sách ngoại giao) trên quy mô quốc tế.
Hill nói với AFP rằng Thatcher có quan điểm ngoại giao "thiển cận" và đã chịu ảnh hưởng quá lớn từ Mỹ, giống như viên Thủ tướng đời sau Tony Blair, người đã dẫn nước Anh vào cuộc chiến tranh Iraq cùng với Mỹ trong năm 2003.
Một trong những di sản lớn nữa của Margaret Thatcher cần được nhắc đến là việc bà đã ký Tuyên bố chung Anh-Trung Quốc năm 1984, bắt đầu tiến trình trao trả lại vùng lãnh thổ Hong Kong cho Trung Quốc đại lục vào năm 1997./.
 
Vũ Long (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục