Dịch COVID-19: Doanh nghiệp công nghiệp loay hoay vực dậy thị trường

Doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang loay hoay vực dậy thị trường trong bối cảnh chạy nước rút khi chỉ còn 2 tháng nữa là hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm 2020 chạm đích đến.
Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty TNHH may Kydo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty TNHH may Kydo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tính chung 10 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân được các sở, ngành lý giải là do Việt Nam bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng với đó một số nước là đối tác quan trọng của Việt Nam đang phải tiếp tục đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 2 khiến cho nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu bị thiếu hụt và thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp.

Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, tính chung 10 tháng năm 2020, chỉ có 9/30 ngành công nghiệp đạt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước.

Một số ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ như: sản xuất kim loại giảm 24,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 23,1%; sản xuất trang phục giảm 21,7%...

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 đã chuyển sang trạng thái mới khi tình hình chống dịch COVID-19 trong nước đã kiểm soát tốt. Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp rất cần biện pháp hỗ trợ cụ thể, nhanh chóng, mang tính đột phá và dài hạn.

[TP.HCM tìm kiếm giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế sau COVID-19]

Có thể kể đến những biện pháp cấp thiết như: hỗ trợ tiếp thị, thông tin về thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế; tìm kiếm thị trường đối tác xuất khẩu mới... đồng thời, doanh nghiệp mong chờ những cơ chế chính sách thực hiện nhanh việc xem xét miễn, giãn, khoanh nợ, giảm thuế; tăng cường kích cầu tiêu dùng trong nước.

Ghi nhận ý kiến doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy họ đang loay hoay vực dậy thị trường trong bối cảnh chạy nước rút khi chỉ còn 2 tháng nữa là hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm 2020 chạm đích đến.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cho rằng việc liên tục thay đổi chiến lược vận hành công ty và kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19 khiến nhiều đơn vị sản xuất công nghiệp gặp thách thức.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cũng nhận định trong bối cảnh, diễn biến dịch COVID-19 đã làm đứt gãy hoạt động thương mại quốc tế, nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đạt mức tăng trưởng dương là một tín hiệu đáng khích lệ và tạo động lực cho doanh nghiệp trong tái cấu trúc thị trường.

Cùng với những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia bắt đầu có hiệu lực trong năm 2020 đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội thị trường trong những tháng cuối năm.

Theo Đại diện Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, trong 10 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt xấp xỉ cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 5,5% và nhập khẩu giảm 1,8%. Khu vực vốn đầu tư nước ngoài vẫn là động lực chính trong tăng trưởng xuất, nhập khẩu với kim ngạch xuất khẩu tăng 9,6% và nhập khẩu tăng 7,3% so với cùng kỳ.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đạt 8.824 triệu USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm 26,6% tỷ trọng xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh và thâm hụt thương mại lên đến 3.695,5 triệu USD.

Tiếp theo, có thể kể đến các thị trường xuất khẩu lớn, gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản... Riêng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh sang các thị trường châu Âu trong 10 tháng qua đạt 4.136,1 triệu USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục