Dịch COVID-19: Doanh nghiệp ngành gỗ phải 'tìm cơ trong nguy'

Doanh nghiệp ngành gỗ phải tìm cơ hội trước thách thức từ COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đang ngừng trệ. Không có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng sản xuất và cho lao động nghỉ.
Xuất khẩu gỗ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Xuất khẩu gỗ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn, tuy tình hình dịch bệnh đang gây ra vô vàn khó khăn cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ nhưng đây không phải là lúc để doanh nghiệp nghĩ đến chuyện đóng cửa, phá sản mà phải có tư tưởng 'tìm cơ trong nguy,' phát triển bền vững trong tương lai.

Ông Tuấn cho hay để gỡ khó cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 đồng ý cho kéo dài 5 tháng đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ nói riêng và các doanh nghiệp nói chung chậm nộp các loại thuế; chậm nộp 5 tháng với tiền thuê đất đợt 1.

Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi, ban hành Thông tư 01, gói tín dụng 285.000 tỷ đồng để xử lý giãn hoãn nợ cũ, áp dụng cơ chế cho vay với lãi suất thấp hơn 0,5 - 2,5% để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông Tuấn khẳng định mặc dù khó khăn nhưng ngành gỗ vẫn có dư địa phát triển tốt, tiềm năng nâng cao chuỗi giá trị.

Để nhanh chóng hạn chế các thiệt hại và khi dịch bệnh qua đi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đưa ra 4 giải pháp cho ngành gỗ.  

Thứ nhất, ngành gỗ cần lập tức cơ cấu lại sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ, EU chủ yếu là bàn trang điểm, dụng cụ phòng bếp, phòng tắm chiếm 60%, trong khi đồ ngoại thất, văn phòng có giá trị cao chỉ chiếm 40% và đây là dư địa lớn. Ngoài ra, ngành phải cơ cấu cho cả chuỗi từ việc trồng rừng gỗ lớn, cải tiến vê giống, đẩy nhanh việc quản lý rừng bền vừng, thực hiện các cam kết với EU.

Thứ hai, ngành gỗ cần thực hiện mạnh mẽ hơn liên kết chuỗi, giảm phụ thuộc nguồn cung. Phải đẩy mạnh việc sản xuất phụ liệu trong nước để hạ chi phí sản xuất.

Thứ ba, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ vào chuỗi, từ ứng dụng giống, chế biến, bán hàng online.

Thứ tư là ngành gỗ phải thiết lập và thực thi hệ thống pháp luật chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, chống được cả chuyển giá...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đối với thị trường xuất khẩu gỗ, đến tháng 4 có khoảng 80% các đơn hàng bị tạm dừng, chưa tìm được đơn hàng mới. Các thị trường lớn như Hoa Kỳ (51% kim ngạch xuất khẩu), EU (39% kim ngạch xuất khẩu) đã đóng băng. Một số thị trường khác như Nhật Bản và Hàn Quốc những đơn hàng chỉ còn lác đác. Ngoài ra, thị trường Trung Quốc (8% kim ngạch xuất khẩu) trong những tháng đầu năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 giờ bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhưng cần thời gian để trở lại bình thường.

Với thị trường trong nước có hai loại sản phẩm chính: 70-80% sản phẩm của các làng nghề truyền thống không tiêu thụ được, phải tạm dừng hoạt động sản xuất; sản phẩm chế biến cao cấp cho các công trình lớn (khách sạn, công sở…) giảm 90% doanh thu so với cùng kỳ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục