Dịch COVID-19: Quan ngại làn sóng lây nhiễm mới tại Australia

Quan ngại về làn sóng lây nhiễm dịch bệnh mới đang ngày một gia tăng tại bang New South Wales sau khi hàng nghìn người tham gia phản đối kế hoạch phong tỏa của chính quyền.
Dịch COVID-19: Quan ngại làn sóng lây nhiễm mới tại Australia ảnh 1Cảnh sát gác gần khu vực Cầu cảng Sydney, Australia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 25/7, bang New South Wales (NSW), thông báo ghi nhận thêm 141 ca mới mắc COVID-19, đưa tổng số ca tại bang đông dân nhất Australia này lên hơn 2.000 ca.

Đây là ngày ghi nhận số ca mới cao thứ hai tại bang NSW, sau khi ghi nhận số ca mới lên mức cao chưa từng thấy trước đó một ngày, với 163 ca.

Quan ngại về làn sóng lây nhiễm dịch bệnh mới đang ngày một gia tăng tại bang NSW sau khi hàng nghìn người tham gia phản đối kế hoạch phong tỏa của chính quyền.

Phát biểu với báo giới, Thủ hiến bang NSW, bà Gladys Berejiklian đã chỉ trích những người tham gia cuộc biểu tình ngày 24/7.

Theo bà, hàng triệu người tại bang NSW đã và đang tuân thủ các quy định phòng, chóng COVID-19, song có những người lại tỏ thái độ coi thường. Người đứng đầu bang NSW lo ngại cuộc biểu tình ngày 24/7 là một bước lùi của bang trong việc phòng, chống dịch bệnh.

Làn sóng lây nhiễm mới tại NSW đã bùng phát trở lại vào tháng Sáu vừa qua, chủ yếu do sự lây lan của biến thể Delta. Hiện đã có 2.081 ca mắc tại bang này. Riêng trong ngày 25/7, có 43 người phải điều trị đặc biệt, tăng sáu người so với một ngày trước đó. Trong 24 giờ qua, đã có hai người tử vong, trong đó có một phụ nữ khoảng 30 tuổi không có bệnh lý nền.

[Australia duy trì chiến lược chống dịch COVID-19 hiện nay]

Sau bốn tuần phong tỏa thành phố Sydney, hiện số ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn ở mức cao. Dự kiến, thành phố này sẽ kéo dài lệnh phong tỏa qua ngày 30/7.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg ngày 25/7 xác nhận chính phủ liên bang đã đảm bảo việc có thêm 85 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer nhằm tăng cường việc tiêm chủng trong hai năm tới.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Frydenberg cho rằng virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 sẽ còn tồn tại và tiêm chủng là “chìa khóa” để thoát khỏi khủng hoảng dịch bệnh.

Dự kiến, 60 triệu liều vaccine của Pfizer sẽ được giao trong năm 2022, đủ để tiêm nhắc lại cho toàn bộ người dân Australia và 25 triệu liều nữa sẽ được cung cấp vào năm 2023.

Trước việc nhiều ý kiến cho rằng có thể phải tiêm ngừa COVID-19 hằng năm, tương tự như việc tiêm phòng cúm hai lần mỗi năm, các chuyên gia Australia cho biết hiện vấn đề này chưa được khẳng định.

Giáo sư Heidi Drummer, Giám đốc về loại trừ dịch bệnh của Viện Burnet, khẳng định trước tiên cần kiểm soát đại dịch, sau đó mới có thể xác định cách thức tiêm nhắc lại vaccine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục