Australia duy trì chiến lược chống dịch COVID-19 hiện nay

Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt ngày 20/7 cho biết, chính phủ sẽ vẫn áp dụng chiến lược kiểm soát số ca mắc hiện nay để đối phó với sự bùng phát của các ca nhiễm tại các thành phố đông dân.
Australia duy trì chiến lược chống dịch COVID-19 hiện nay ảnh 1Cảnh vắng vẻ tại một tuyến đường ở thành phố Melbourne, bang Victoria (Australia) khi lệnh phong tỏa chống dịch COVID-19 được áp dụng, ngày 16/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt khẳng định nước này sẽ tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hiện đang được áp dụng cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên.

Phát biểu trước báo giới địa phương hôm 20/7, ông Hunt cho biết để đối phó với sự bùng phát của các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các thành phố đông dân ở Australia, chính phủ sẽ vẫn áp dụng chiến lược kiểm soát số ca mắc hiện nay, tiếp tục sử dụng các “vành đai” ngăn chặn khác nhau để đối phó với biến thể Delta.

Ông nhấn mạnh khi số người được tiêm chủng tăng lên, chính phủ sẽ tập trung hơn vào số ca phải nhập viện và ngăn ngừa tử vong. Ông Hunt cho biết hiện mới có hơn 37% dân số đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên và 11% được tiêm đủ 2 mũi.

[Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Australia và Ấn Độ]

Hai bang lớn nhất ở Australia là New South Wales và Victoria với tổng số 12 triệu dân đang phải thực hiện lệnh phong tỏa để đối phó với các ổ dịch mới. Riêng tại bang New South Wales đã ghi nhận hơn 1.400 ca nhiễm trong cộng đồng trong hơn 1 tháng qua.

Một bang khác là Nam Australia cũng đã yêu cầu người dân phải ở nhà từ đêm ngày 20/7 sau khi ghi nhận 5 ca nhiễm trong cộng đồng trong 2 ngày qua.

Trong bối cảnh trên, người đứng đầu ngành y tế Australia vẫn khẳng định những kết quả to lớn của việc áp dụng các biện pháp mà chính phủ đã và đang áp dụng, bao gồm kiểm soát biên giới, xét nghiệm, truy vết người tiếp xúc, giãn cách xã hội.

Theo ông Hunt, những biện pháp này đã mang lại “sự khác biệt” cho Australia, giúp cứu 30.000 sinh mạng so với mức tử vong trung bình ở các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục