Điểm lại 5 sự kiện thế giới tốt lành đáng nhớ trong năm 2016

Một trong những sự kiện đáng nhớ là gần 200 quốc gia tham gia Hiệp định Paris sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Điểm lại 5 sự kiện thế giới tốt lành đáng nhớ trong năm 2016 ảnh 1Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (trái) và thủ lĩnh tối cao FARC Timoleon Jimenez. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mặc dù năm 2016 đang dần khép lại với nhiều nốt trầm, từ các vụ tấn công đẫm máu ở châu Âu, xung đột, bạo lực tại Syria, Yemen, cho tới hạn hán nghiêm trọng, dịch bệnh từ Trung Đông đến châu Phi và khu vực Mỹ Latinh, nhưng vẫn còn đó nhiều sự kiện tốt lành đáng nhớ trong 12 tháng qua.

Mới nhất hồi tháng 11 vừa qua là sự kiện Chính phủ Colombia và nhóm Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) đạt thỏa thuận hòa bình, chấm dứt cuộc chiến kéo dài 52 năm tại quốc gia Mỹ Latinh này - cuộc chiến cướp đi sinh mạng của hơn 220.000 người và đẩy hàng triệu người vào cảnh mất nhà cửa. Với những nỗ lực bền bỉ vì hòa bình, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã vinh dự được trao giải Nobel Hòa bình 2016.

Một sự kiện đáng nhớ khác là việc Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực hôm 4/11, theo đó gần 200 quốc gia tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris (Pháp) hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó quy định một loạt biện pháp nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ra, hiệp định đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Điểm lại 5 sự kiện thế giới tốt lành đáng nhớ trong năm 2016 ảnh 2Thư ký điều hành Hội nghị COP22 Patricia Espinosa (thứ 2, trái) và Chủ tịch COP22 Salaheddine Mezouar (giữa) và các quan chức sau khi thông qua tuyên bố của Hội nghị ngày 17/11 vừa qua. (Ảnh: AP/TTXVN)

Sự kiện tích cực thứ ba phải kể tới việc Bộ trưởng Ấn Độ vì quyền lợi của phụ nữ và trẻ em hồi tháng 5 năm nay công bố dự thảo luật chống nạn buôn người toàn diện lần đầu tiên của quốc gia này. Theo đó, tất cả những nạn nhân còn sống sau các vụ buôn người cần được hỗ trợ và bảo vệ, thay vì bị đối xử như những người phạm tội.

Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc cho biết Nam Á, với Ấn Độ nằm ở vị trí trung tâm, hiện là khu vực chứng kiến nạn buôn người nhức nhối nhất trên thế giới.

Một sự kiện đáng ghi nhận khác trong tháng 12 năm nay là việc hơn 300 cộng đồng tại 4 quốc gia Tây Phi vốn có tỷ lệ cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ (FGM) cao nhất thế giới tuyên bố loại bỏ hủ tục này. FGM hiện gây ảnh hưởng tới khoảng 140 triệu bé gái và phụ nữ trên toàn khu vực châu Phi cùng nhiều nơi tại khu vực Trung Đông và châu Á. Thậm chí, còn là nguyên nhân kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe gây nguy hiểm tới tính mạng các em gái.

Sự kiện thứ 5 đáng lưu ý là việc hồi tháng 9 vừa qua, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc lần đầu tiên cử một nhà điều tra độc lập nhằm giúp bảo vệ những người đồng tính, người chuyển giới tránh khỏi bạo lực và phân biệt đối xử. Theo đó, Giáo sư luật quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok sẽ đảm nhận sứ mệnh kéo dài 3 năm trong việc điều tra các vụ lạm dụng đối với những người đồng tính nam, đồng tính nữ, người song tính và chuyển giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục