Diễn biến bất ngờ và tín hiệu tích cực cho quan hệ Nga-Mỹ

Những thông điệp được cả Nga và Mỹ đưa ra sau cuộc gặp thượng đỉnh được dư luận đánh giá là một diễn biến khá bất ngờ và được hy vọng là bước khởi đầu cho quá trình ổn định quan hệ song phương.
Diễn biến bất ngờ và tín hiệu tích cực cho quan hệ Nga-Mỹ ảnh 1Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) kết thúc sau hơn 3 giờ hội đàm tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16/6/2021 với một số kết quả tích cực. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ông Joe Biden đã kết thúc chuyến công du đến châu Âu - sự kiện ngoại giao lớn đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Bên cạnh Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một sự kiện đáng chú ý là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ tại Geneva, Thụy Sỹ.

Những thông điệp được cả Nga và Mỹ đưa ra tại cuộc gặp lần này được dư luận đánh giá là một diễn biến khá bất ngờ và được hy vọng là bước khởi đầu cho quá trình ổn định quan hệ song phương.

Nga-Mỹ thúc đẩy đối thoại

Nga và Mỹ có nhiều bất đồng nghiêm trọng trong việc đánh giá tình hình quốc tế, trong cách tiếp cận các nhiệm vụ phải giải quyết để bình thường hóa tình hình. Quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đã xấu đi trong một thời gian dài.

Sau một loạt các vụ trục xuất ngoại giao "ăn miếng trả miếng," các biện pháp trừng phạt mới chống Nga liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” đưa khí đốt Nga sang tiêu thụ tại Đức và châu Âu, sự đối đầu giữa hai nước trên một số mặt trận như Syria, Ukraine, Belarus, quan hệ Mỹ-Nga được xem như đã quay trở về mức thấp thời Chiến tranh Lạnh.

[Tổng thống Nga Putin tuyên bố sẵn sàng tiếp tục đối thoại với Mỹ]

Thậm chí, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định quan hệ Nga-Mỹ ở thời điểm hiện tại còn tồi tệ hơn so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh do thiếu sự tôn trọng lẫn nhau.

Theo đánh giá của Văn phòng Tổng thống Nga, “quan hệ Nga-Mỹ đã bị suy giảm trong nhiều năm và hiện đang ở trong tình trạng không thể hài lòng. Các kênh tiếp xúc đã bị đình chỉ gần như trong toàn bộ các vấn đề phối hợp hành động song phương."

Về phần mình, ông chủ Nhà Trắng cũng đồng ý với nhận định của Tổng thống Vladimir Putin rằng “quan hệ Nga-Mỹ xấu đến mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây."

Bản thân ông Biden sau khi nhậm chức cũng không có ý định “cài đặt lại” mối quan hệ với Nga giống như một số tổng thống Dân chủ tiền nhiệm, thậm chí còn thực thi chính sách được đánh giá là khá cứng rắn trong quan hệ với Moskva.

Cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này, được tổ chức tại Geneva ngày 16/6 theo đề xuất của Tổng thống Biden, là một sự kiện được đánh giá là quan trọng, có thể giúp ngăn chặn mối quan hệ song phương tiếp tục "trượt dốc."

Tuy nhiên, nhìn vào danh sách dài những mâu thuẫn, bất đồng giữa Nga và Mỹ thời gian qua, có thể hiểu vì sao đa số đều tỏ thái độ thận trọng về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh này.

Ngay cả Nga và Mỹ đều không đặt kỳ vọng sẽ đạt được bất kỳ bước đột phá nào do khả năng xuất hiện những bất đồng lớn.

Thế nhưng, hai nhà lãnh đạo đều hy vọng cuộc hội đàm có thể dẫn tới một mối quan hệ ổn định và dễ dự đoán hơn, hay nói cách khác là hai bên có thể quản lý mối quan hệ và hạn chế ảnh hưởng khi phát sinh các bất đồng trong tương lai.

Theo các nhà phân tích, dù tiếp tục chính sách trừng phạt và kiềm chế Nga, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden vẫn tìm cách đối thoại với Nga, đặc biệt là trong những vấn đề khó có thể giải quyết nếu không có sự tham gia của Moskva.

Bên cạnh đó, duy trì đối thoại với Moskva có lẽ là con đường khả dĩ nhất để có thể tạo ra được những đột phá trong việc giải quyết nhiều vấn đề an ninh cấp bách trên thế giới.

Phía Mỹ cho rằng gặp gỡ với các nhà lãnh đạo có nhiều bất đồng với Mỹ như nhà lãnh đạo Nga là thực sự quan trọng và rằng “mục tiêu của Tổng thống Biden là để hai nước Mỹ và Nga hướng đến một mối quan hệ ổn định hơn.”

Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ Eric Green cũng thừa nhận rằng “dù muốn hay không, Mỹ vẫn phải làm việc với Nga về một số thách thức cốt lõi trên thế giới."

Còn phía Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng cùng với Mỹ nỗ lực đối thoại làm lành mạnh hóa quan hệ song phương, trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau.

Đồng thời, Nga xác định việc bình thường hóa quan hệ song phương là cần thiết cho cả Nga và Mỹ.

Kể từ sau cuộc điện đàm giữa hai tổng thống hồi tháng Tư năm nay, hàng loạt các cuộc gặp giữa lãnh đạo các bộ ngành đã được tổ chức để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh mà hai bên đánh giá là “mang tính xây dựng” này.

Chủ đề Trung Quốc xuyên suốt

Theo Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc là chủ đề nổi bật suốt chuyến thăm châu Âu của ông Biden, ngay cả trong cuộc họp báo riêng của ông Biden sau cuộc gặp với Tổng thống Nga ở Geneva hôm 16/6.

Diễn biến bất ngờ và tín hiệu tích cực cho quan hệ Nga-Mỹ ảnh 2Lãnh đạo hai nước đã ra tuyên bố chung về ổn định chiến lược, được dư luận đánh giá là một diễn biến khá bất ngờ và là bước khởi đầu đáng ghi nhận cho quá trình phá băng trong quan hệ song phương. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trả lời một câu hỏi mà phóng viên đưa ra tại họp báo về khả năng xảy ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Nga, ông Biden đã đề cập đến Trung Quốc.

Ông Biden đã đề cập đến việc Nga có đường biên giới dài hàng nghìn dặm với Trung Quốc. Trung Quốc đang tiến về phía trước và tìm cách trở thành nền kinh tế hùng mạnh nhất trên thế giới.

Trong khi đó, nền kinh tế của Nga đang gặp khó khăn và nước này nên phải chuyển dịch kinh tế theo hướng tích cực hơn.

Ông Biden nhấn mạnh rằng ông không nghĩ rằng ông Putin đang tìm kiếm một cuộc Chiến tranh Lạnh với Mỹ.

Ông Kim Xán Vinh, Phó Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nhân dân của Trung Quốc, nhận định rằng sự phát triển kinh tế của Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với Nga, mà là một cơ hội. Ông Biden nói rằng nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn và định sử dụng điểm này để chia rẽ quan hệ Trung-Nga.

Lỗ Hướng, một nhà nghiên cứu về Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ở Bắc Kinh, chỉ ra rằng Mỹ là nước đang nỗ lực để trừng phạt, kiềm chế và cô lập Nga. Còn Trung Quốc lại là nước thúc đẩy thương mại với Nga.

Giáo sư Kim Xán Vinh nhận định hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ đã kết thúc mà không có đột phá đáng kể, nhưng đã cho thấy những căng thẳng giữa Mỹ và Nga đã giảm bớt. Vì vậy có một số điều tích cực đến từ cuộc gặp này, song vẫn chưa thể nói đây là thành công về mặt ngoại giao.

Một mục tiêu chính trong chuyến thăm châu Âu của ông Biden là thuyết phục các đồng minh của Mỹ rằng nước Mỹ đã quay trở lại với các nghị trình đa phương.

Mục tiêu này đã thành công một phần khi xét đến bầu không khí của các sự kiện, bao gồm hội nghị thượng đỉnh G7, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Liên minh châu Âu (EU) và hội nghị thượng đỉnh NATO.

Thôi Hồng Kiến, Trưởng ban Nghiên cứu châu Âu của Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, đánh giá rằng cam kết của Mỹ về sự tôn trọng chủ nghĩa đa phương của nước này đã được đảm bảo ở một mức độ nhất định.

Giới quan sát cho rằng ông Biden đã lên kế hoạch tập hợp các đồng minh của mình chống lại Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mỹ một lần nữa.

Mặc dù các thông cáo của G7 và NATO cho thấy lập trường gay gắt, song những thay đổi không đạt được mức độ mà Mỹ mong muốn. Tại cuộc họp G7, Đức, Italy và đặc biệt là các nhà lãnh đạo EU đã phản đối quan hệ với Trung Quốc theo cách thức mang tính đối đầu.

Mặt khác, chuyên gia Thôi Hồng Kiến nhận định, về phía Mỹ và Nga, cả hai bên đều muốn ổn định các quan hệ sau 4 năm hỗn loạn.

Tuy nhiên, cuộc gặp giữa ông Biden và ông Putin mang tính chất xác minh giới hạn và tránh xung đột quân sự trực tiếp hoặc những đánh giá sai lầm, hơn là thực sự làm điều gì đó để cải thiện quan hệ ngoại giao.

Trong khi đó, chuyên gia Lỗ Hướng cho rằng ông Biden đã không thể thuyết phục các nhà lãnh đạo châu Âu đừng lo lắng về cuộc chuyển giao quyền lực tiếp theo ở Mỹ.

Giờ đây Mỹ là một quốc gia bị chia rẽ nghiêm trọng, và nếu đảng Cộng hòa hoặc ông Trump trở lại nắm quyền, các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương có thể có nguy cơ rạn nứt.

Chuyên gia này nhấn mạnh, "Mỹ có thể quay lại, nhưng họ cũng có thể ra đi một lần nữa. Đó là một lý do khác khiến các nước châu Âu muốn giữ khoảng cách với Mỹ"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục