Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 6km, bản Mển - nơi nổi tiếng có nhiều phong cảnh đẹp - đang từng ngày thay da đổi thịt nhờ triển khai mô hình du lịch văn hóa bản.
Du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách
Trong những nếp nhà sàn truyền thống, du khách có thể thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn như măng lay, cá nướng, cơm lam hay lắc lư theo vòng quay của điệu múa xòe, ngây ngất trong men rượu cần thơm nồng và thả hồn theo giọng hát ngọt ngào của những cô gái Thái.
Du khách cũng có thể cùng sống, sinh hoạt trong gia đình người Thái để tìm hiểu những phong tục tập quán của người dân nơi đây và để được một lần là “người dân tộc Thái” thực thụ.
Khi lần đầu tiên đến thăm và giao lưu với người dân bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, ông Nguyễn Phạm Điền, Việt kiều Australia, chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng về nét hoang sơ ở vùng cao này và thật thú vị khi được thưởng thức những bài dân ca, điệu múa xòe và những món ăn đặc trưng của người Thái.”
Loại hình du lịch văn hóa cộng đồng - thăm quan và tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn bản miền núi được tỉnh Điện Biên triển khai từ năm 2004 tại 8 bản người Thái.
Theo lãnh đạo tỉnh Điện Biên, việc phát triển mô hình du lịch văn hóa này vừa giúp địa phương giữ gìn và phát huy bản sắc đa dạng của 21 dân tộc sinh sống trên địa bàn, vừa giúp người dân tăng thu nhập, trung bình từ 500.000-700.000 đồng/người/tháng, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Anh Quàng Văn Thương, Trưởng bản Mển, cho biết trước năm 2004 có tới 20% trong tổng số hơn 110 hộ trong bản thuộc diện đói nghèo, nhưng đến nay tỉ lệ này chỉ còn 5%. Hiện 95% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tất cả trẻ em đã được đến trường.
Trước đây, cả bản Him Lam II ở thành phố Điện Biên Phủ gồm 114 hộ với gần 500 nhân khẩu sống chủ yếu dựa vào trồng ngô, trồng lúa nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi tỉnh chọn Him Lam II là nơi triển khai mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, bà con trong bản đã tận dụng cơ hội này khôi phục nghề dệt thổ cẩm để cung cấp sản phẩm cho du khách, nhờ đó cuộc sống khá hơn.
Gìn giữ bản sắc
So với một số địa phương trên cả nước, mô hình du lịch văn hóa cộng đồng ở Điện Biên chưa bị thương mại hóa, nên vẫn lôi cuốn khá đông du khách.
Để du lịch văn hóa cộng đồng phát triển bền vững, ông Nguyễn Đăng Quang, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Điện Biên cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là phải nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo ông Quang, tại các bản du lịch văn hoá trước mắt cần khuyến khích người dân làm các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của dân tộc mình như trang phục thổ cẩm, vật dụng sinh hoạt, đồ chạm bạc, đồng và một số loại đặc sản...
Bên cạnh đó, việc tổ chức tập huấn cho người dân về nghiệp vụ du lịch để họ có thể phục vụ tốt hơn khi du khách sinh hoạt cùng gia đình cũng cần được chú trọng.
Ông Quang cho biết, sắp tới Sở sẽ tổ chức lớp dạy hát dân ca cho thanh niên, phục dựng một số loại trang phục dân tộc, đồng thời tổ chức cho một số gia đình làm du lịch đi học hỏi kinh nghiệm tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai hoặc Bản Lác, tỉnh Hòa Bình.
Việc khôi phục một số lễ hội hay nghi thức tín ngưỡng dân gian tại các bản làng như lễ hội cầu an, lễ cầu mùa, đốt nương cũng được tính đến để nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Trong bốn tháng đầu năm nay đã có trên 115.000 lượt khách đến Điện Biên, trong đó có 11.000 lượt khách quốc tế. Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu đón trên 300.000 khách, trong đó có 50.000 khách quốc tế./.
Du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách
Trong những nếp nhà sàn truyền thống, du khách có thể thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn như măng lay, cá nướng, cơm lam hay lắc lư theo vòng quay của điệu múa xòe, ngây ngất trong men rượu cần thơm nồng và thả hồn theo giọng hát ngọt ngào của những cô gái Thái.
Du khách cũng có thể cùng sống, sinh hoạt trong gia đình người Thái để tìm hiểu những phong tục tập quán của người dân nơi đây và để được một lần là “người dân tộc Thái” thực thụ.
Khi lần đầu tiên đến thăm và giao lưu với người dân bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, ông Nguyễn Phạm Điền, Việt kiều Australia, chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng về nét hoang sơ ở vùng cao này và thật thú vị khi được thưởng thức những bài dân ca, điệu múa xòe và những món ăn đặc trưng của người Thái.”
Loại hình du lịch văn hóa cộng đồng - thăm quan và tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn bản miền núi được tỉnh Điện Biên triển khai từ năm 2004 tại 8 bản người Thái.
Theo lãnh đạo tỉnh Điện Biên, việc phát triển mô hình du lịch văn hóa này vừa giúp địa phương giữ gìn và phát huy bản sắc đa dạng của 21 dân tộc sinh sống trên địa bàn, vừa giúp người dân tăng thu nhập, trung bình từ 500.000-700.000 đồng/người/tháng, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Anh Quàng Văn Thương, Trưởng bản Mển, cho biết trước năm 2004 có tới 20% trong tổng số hơn 110 hộ trong bản thuộc diện đói nghèo, nhưng đến nay tỉ lệ này chỉ còn 5%. Hiện 95% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tất cả trẻ em đã được đến trường.
Trước đây, cả bản Him Lam II ở thành phố Điện Biên Phủ gồm 114 hộ với gần 500 nhân khẩu sống chủ yếu dựa vào trồng ngô, trồng lúa nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi tỉnh chọn Him Lam II là nơi triển khai mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, bà con trong bản đã tận dụng cơ hội này khôi phục nghề dệt thổ cẩm để cung cấp sản phẩm cho du khách, nhờ đó cuộc sống khá hơn.
Gìn giữ bản sắc
So với một số địa phương trên cả nước, mô hình du lịch văn hóa cộng đồng ở Điện Biên chưa bị thương mại hóa, nên vẫn lôi cuốn khá đông du khách.
Để du lịch văn hóa cộng đồng phát triển bền vững, ông Nguyễn Đăng Quang, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Điện Biên cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là phải nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo ông Quang, tại các bản du lịch văn hoá trước mắt cần khuyến khích người dân làm các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của dân tộc mình như trang phục thổ cẩm, vật dụng sinh hoạt, đồ chạm bạc, đồng và một số loại đặc sản...
Bên cạnh đó, việc tổ chức tập huấn cho người dân về nghiệp vụ du lịch để họ có thể phục vụ tốt hơn khi du khách sinh hoạt cùng gia đình cũng cần được chú trọng.
Ông Quang cho biết, sắp tới Sở sẽ tổ chức lớp dạy hát dân ca cho thanh niên, phục dựng một số loại trang phục dân tộc, đồng thời tổ chức cho một số gia đình làm du lịch đi học hỏi kinh nghiệm tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai hoặc Bản Lác, tỉnh Hòa Bình.
Việc khôi phục một số lễ hội hay nghi thức tín ngưỡng dân gian tại các bản làng như lễ hội cầu an, lễ cầu mùa, đốt nương cũng được tính đến để nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Trong bốn tháng đầu năm nay đã có trên 115.000 lượt khách đến Điện Biên, trong đó có 11.000 lượt khách quốc tế. Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu đón trên 300.000 khách, trong đó có 50.000 khách quốc tế./.
Hồng Hạnh (Vietnam+)