Điện Biên xây dựng chính quyền điện tử năm 2015

Tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2015, 100% cấp huyện sẽ xây dựng hệ thống một cửa điện tử phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Ngày 8/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã thông qua đề án xây dựng "Chính quyền điện tử" đến năm 2015 và định hướng đến 2020.

Mục tiêu tỉnh Điện Biên đặt ra là đến năm 2015, 100% các cơ quan Nhà nước từ cấp xã trở lên có mạng Lan, kết nối Interrnet băng thông rộng; trên 20% cơ quan hành chính cấp tỉnh, 100% cấp huyện và 15% cấp xã xây dựng hệ thống một cửa điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tỉnh dự kiến đầu tư khoảng gần 94 tỷ đồng để xây dựng "Chính quyền điện tử" giai đoạn đến năm 2015.

Theo lộ trình thực hiện, trong giai đoạn 2012-2015, tỉnh sẽ bước đầu xây dựng, hình thành mô hình chính quyền điện tử tỉnh; hoàn thành cơ bản việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đủ khả năng vận hành các hệ thống thí điểm; hình thành các mô hình công sở, văn phòng điện tử; kết hợp với việc xây dựng chính quyền điện tử là hình thành các doanh nghiệp, trường học, bệnh viện và cộng đồng điện tử; xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin đủ sức triển khai và vận hành hệ thống chính quyền điện tử.

Mô hình kiến trúc "Chính quyền điện tử" của tỉnh Điện Biên gồm 3 tầng chính. Tầng 1 là phần hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm hạ tầng mạng, truyền dẫn, trang thiết bị.

Tầng 2 là phần ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan Nhà nước, điều hành, tác nghiệp, xử lý văn bản trong nội bộ cơ quan, sau đó kết nối liên thông, liên văn phòng, tạo kết nối trong toàn tỉnh.

Tầng 3 ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp: chính quyền điện tử cung cấp các dịch vụ công theo cơ chế một cửa và cuối cùng là giao diện tương tác với người dân thông qua Công thông tin điện tử, thư điện tử.

Việc nâng cấp hạ tầng Công nghệ thông tin cho các cơ quan Nhà nước từ cấp huyện trở lên đã được tỉnh Điện Biên triển khai trong năm 2011, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2012.

Đến năm 2011, tỉnh đã có 90% cơ quan Nhà nước từ cấp huyện trở lên ứng dụng phần mềm có tính năng quản lý văn bản. Đến thời điểm này, tỉnh đã xây dựng cổng thông tin điện tử và có tới 51% cơ quan Nhà nước có trang thông tin điện tử, chủ yếu cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Tất cả các sở, ban, ngành và 9 huyện, thị, thành phố đã có mạng Lan; 8 ngành và huyện Mường Nhé đã kết nối văn bản điện tử tới chính quyền tỉnh.

Đặc biệt, các huyện Mường Chà, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ đã xây dựng mô hình một cửa điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch với chính quyền, tra cứu kết quả giải quyết công việc.

Hiện nay, 3 mô hình này đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ trong công tác cải cách hành chính của tỉnh, dự kiến sẽ được triển khai rộng cho các cơ quan cấp tỉnh và các huyện, thị xã còn lại trong thời gian tới./.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục