Điều chỉnh và tối ưu dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Theo báo cáo nghiên cứu, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng mức đầu tư mới là hơn 1,2 tỷ USD, công suất nhà máy nâng lên 7,6 triệu tấn/năm so với mức 6,5 triệu tấn/năm hiện nay.
Điều chỉnh và tối ưu dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất ảnh 1Nhà máy lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/TTXVN)

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hồ sơ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Theo BSR, trong thời gian qua, Ban quản lý dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất (DQRE) - Chi nhánh Công ty BSR đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn Wood Group UK Limited (WOOD) để điều chỉnh đầu tư dự án này.

Trước đó, ngày 25/2, tư vấn WOOD đã hoàn thiện báo cáo tổng hợp cuối cùng về kết quả nghiên cứu tối ưu hóa phương án nâng cấp và đa dạng hóa sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Cuối tháng 3 vừa qua, tư vấn WOOD rà soát và tiếp tục hoàn thiện báo cáo nghiên cứu.

Đầu tháng 4 này, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí (PVE) đã hoàn thành báo cáo điều chỉnh dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Trong ngày 6/4/2022, Hội đồng thẩm định cấp cơ sở BSR đã hoàn tất công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu và trình PVN xem xét.

Theo báo cáo nghiên cứu, dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất có tổng mức đầu tư mới là hơn 1,2 tỷ USD. Kế hoạch vốn cho dự án dự kiến là 40% vốn chủ sở hữu, số còn lại là vốn vay (tỷ lệ này có thể thay đổi theo từng phương án thu xếp vốn cho dự án).

[Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành trở lại 100% công suất]

Tư vấn WOOD đã lựa chọn cấu hình công nghệ phù hợp với phương án công suất Nhà máy nâng lên 171 nghìn thùng dầu thô/ngày (tương đương 7,6 triệu tấn/năm) - công suất hiện tại của Nhà máy là 6,5 triệu tấn.

Dầu thô thiết kế là Azeri BTC 53% + ESPO 47%. Tỷ lệ dầu thô sẽ được tối ưu, tinh chỉnh khi điều chỉnh hoặc cập nhật thiết kế tổng thể FEED, thiết kế chi tiết trong hợp đồng EPC. Việc điều chỉnh này sẽ giúp nâng rổ dầu thô đầu vào cung cấp cho Nhà máy lên 14 loại (2 loại dầu thô trong nước và 12 loại dầu thô nước ngoài).

Sau khi hoàn thành dự án, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể vận hành dầu thô hỗn hợp có hàm lượng lưu huỳnh trong khoảng 0,12-0,34% khối lượng. Đây là cơ hội để BSR tiếp cận hàng chục loại dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh cao, với giá tối ưu và có sản lượng cao trên thế giới. Đặc biệt, xăng RON 92 và RON 95 sẽ đạt tiêu chuẩn EURO V, dầu Diesel tiêu chuẩn EURO V.

Cũng theo báo cáo điều chỉnh BSR trình PVN, năm 2022 bắt đầu triển khai dự án, dự kiến hoàn thành vào cuối 2025 và vận hành thương mại vào đầu năm 2026.

Theo Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, việc điều chỉnh và tối ưu dự án là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng hiện nay là nâng cấp chất lượng tiêu chuẩn khí thải và công suất các sản phẩm hóa dầu.

PVN phấn đấu mỗi năm khai thác trên 8 triệu tấn dầu thô trong nước (đến năm 2030), đủ đáp ứng nhu cầu dầu thô cho cả nhà máy hiện hữu và sau khi nâng cấp. Đặc biệt, bên cạnh việc chế biến dầu thô trong nước, dự án điều chỉnh đã mở rộng rổ dầu thô nước ngoài lên tới 12 loại và có khả năng tăng thêm nếu tiếp tục tìm kiếm và nghiên cứu thử nghiệm.

Việc triển khai dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang ở thời điểm thuận lợi vì Việt Nam cần năng lượng sơ cấp để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Vì vậy, PVN sẽ thành lập Ban chỉ đạo do Tổng Giám đốc Tập đoàn làm Trưởng ban để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục