Vụ tàu của Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản (Japan Coast Guard - JCG) sử dụng vòi rồng để đuổi khoảng 40 tàu cá cùng các tàu tuần duyên hộ tống của Đài Loan (Trung Quốc) ra khỏi vùng biển mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) đã gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Bởi vòi rồng được coi là thứ “vũ khí mềm” của lực lượng dân sự được sử dụng hiệu quả trong những vụ va chạm trên biển, những vụ mà nếu một bên nào đó nổ súng thì có thể gây nên những hệ quả khó lường. Tuy vậy, ngăn chặn việc xâm phạm một vùng nước mà Nhật Bản tuyên bố thuộc lãnh thổ, có chiều rộng tới 430.000 km2, chỉ là một trong nhiều vai trò mà lực lượng được trang bị tốt và nhiều vốn này thực hiện. Chức năng cơ bản của tuần duyên là tổ chức các hoạt động cứu hộ những tàu gặp nạn, những người gặp vấn đề ở khu vực ngoài khơi đường bờ biển dài 35.000 km của Nhật Bản, một chiều dài gần bằng 9/10 đường xích đạo. Tuần duyên cũng chịu trách nhiệm đóng vai trò của một lực lượng cảnh sát biển, quản lý các vùng nước xung quanh Nhật Bản, ngăn chặn hàng cấm xâm nhập và đảm bảo luật biển, gồm các quy định về an toàn hàng hải, được thực thi.
Tàu của JCG sử dụng vòi rồng đối phó với tàu Đài Loan (Nguồn: AFP/TTXVN)
JCG là lực lượng đầu tiên ứng phó với các vụ cháy ở biển hoặc khu vực gần bờ biển, vốn chỉ có thể tiếp cận được từ hướng đại dương. Nhưng trách nhiệm của họ còn bao gồm cả việc tiến hành các cuộc khảo sát thủy văn học và các biện pháp khác để đảm bảo an toàn hàng hải, như vẽ các bản đồ hàng hải hoặc lắp đặt và duy trì phao tín hiệu để dẫn đường cho các con tàu. JCG nằm dưới sự quản lý của Bộ Đất đai và Giao thông, hoàn toàn độc lập với Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (MSDF), vốn thuộc Bộ Quốc phòng. JCG có 12.700 quan chức, 448 tàu và 73 máy bay. Năm tài khóa năm nay, JCG nhận được 178 tỉ yen (2,29 tỉ USD), xấp xỉ 0,2% tổng ngân sách quốc gia. Phát ngôn viên JCG nói rằng các thành viên của họ được phép mang vũ khí, nhưng từ chối bình luận chi tiết về việc các con tàu được trang bị ra sao. Cho tới ngày 25/9, JCG chỉ có quyền bắt giữ trên biển và không được bắt bất kỳ ai trên bộ. Tuy nhiên một sự thay đổi luật chuẩn bị có hiệu lực sẽ cho phép họ bắt người ở các hòn đảo hẻo lánh. Khi các nhà hoạt động ủng hộ Bắc Kinh đặt chân lên đảo Sensaku do Nhật Bản kiểm soát mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, các sĩ quan tuần duyên lên đảo để bắt các nhà hoạt động đã bị khởi tố vì vi phạm quy định.
Tàu của JCG áp sát tàu Hải giám Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp (Nguồn: AFP)
Năm 2010, JCG đã bắt thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc điều khiển tàu đâm vào 2 tàu của họ ở vùng biển tranh chấp. Vụ việc đã gây ra căng thẳng ngoại giao kéo dài nhiều tuần trước khi Nhật Bản trả tự do cho viên thuyền trưởng. Và trong vụ va chạm mới nhất hôm 26/9, tuần duyên Nhật đã sử dụng vòi rồng để đối phó với các tàu của Đài Loan ở quanh vùng biển kể trên./.
Linh Vũ (Vietnam+)