Đổ 5 triệu USD vào thị trường di động Việt, Huawei vẫn sẽ gặp khó

Dù tập trung đầu tư khoảng 5 triệu USD cho quảng bá thương hiệu, marketing... song theo giới kinh doanh, Huawei sẽ không dễ để tiến xa ở thị trường smartphone Việt Nam.
Đổ 5 triệu USD vào thị trường di động Việt, Huawei vẫn sẽ gặp khó ảnh 1Chiếc điện thoại thông minh Huawei P8. (Ảnh minh họa: Huawei)

Dự kiến đầu tư khoảng 5 triệu USD vào marketing và tập trung vào khoảng 200 cửa hàng bán lẻ để “đánh chiếm” thị trường smartphone Việt Nam, song hãng công nghệ Trung Quốc Huawei sẽ không dễ dàng giành giật được thị phần ở thị trường vốn xem là rất tiềm năng này.

Trong một lần trao đổi với báo chí vào cuối tháng Ba, ông  Shawn Shu, Tổng Giám đốc Huawei Consumer BG Việt Nam cho hay với số tiền nói trên, Huawei sẽ có nhiều hoạt động marketing, tặng quà cho khách hàng, quảng bá thương hiệu…

Đây có thể xem là một “con bài chiến lược” của Huawei trong bước đi chinh phục thị trường điện thoại Việt Nam, vốn được hãng bắt đầu chú trọng từ năm 2014.

Trả lời câu hỏi của phóng viên VietnamPlus về lộ trình khoản đầu tư này, ông Shawn Shu nói đến thời điểm hiện nay, Huawei đã đầu tư được khoản 100 cửa hàng trọng điểm trên cả nước. Tại đây, Huawei đầu tư hình ảnh, thiết bị và đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm tốt nhất với hỗ trợ của nhân viên.

Sắp tới, Huawei cũng sẽ ra mắt một loạt sản phẩm mới và các chiến lược tiếp thị truyền thông mạnh mẽ để sản phẩm có thể tiếp cận với khách hàng.

Ông Shawn Shu nói năm 2014, đơn vị này bán ra được 200.000 sản phẩm tại thị trường này. Nhận định mình là một “thương hiệu điện thoại trẻ ở Việt Nam,” lãnh đạo Huawei cho biết đã chọn hướng đi riêng để tiếp cận thị trường. 

Phía Huawei cũng đặt mục tiêu vươn lên vị trí thứ 3 trong hai năm tới tại thị trường di động Việt Nam. Và để đạt được vị trí này, Huawei sẽ tiếp tục phát triển những đối tác bán lẻ trọng điểm, ra mắt những sản phẩm chất lượng, tăng cường hợp tác với các nhà mạng của Việt Nam để tối ưu hóa giá trị sản phẩm, cùng với đó là từng bước áp dụng phương thức bán hàng trên mạng.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, đại diện của một số chuỗi cửa hàng bán điện thoại (giấu tên) cho biết, mục tiêu này của Huawei có vẻ khá xa vời. Điều này cũng bởi người Việt còn chuộng thương hiệu và nhất là khi ở mỗi phân khúc đều có những “ông lớn” như Apple, Samsung, LG, ASUS… nắm giữ.

Đại diện của chuỗi cửa hàng Hoàng Hà mobile thẳng thắn cho rằng, năm 2014 là một năm không thành công của các hãng điện thoại Trung Quốc tại thị trường Việt (trừ OPPO). Do đó, các hãng đang dừng lại ở mức theo dõi động thái và chờ cơ hội.

Bên cạnh đó, thị trường di động Việt rất tiềm năng nên các hãng điện tử lớn quan tâm, tạo ra tính cạnh tranh cao khiến cho bất kỳ hãng điện thoại nào cũng phải dè chừng.

Theo ông Đào Toàn, Giám đốc chuỗi cửa hàng điện thoại DTG, điện thoại Trung Quốc nói chung hiện không chiếm nhiều vị trí trong làng điện thoại Việt. Hiện, các sản phẩm cùng phân khúc không chênh nhau quá nhiều về chất lượng, nên nếu các hãng có chiến lược đầu tư quảng cáo, đầu tư thương hiệu hợp lý sẽ thành công và ngược lại.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc ngành hàng Điện tử viễn thông (chuỗi siêu thị Thegioididong.com) thì cho hay, yếu tố quyết định để tồn tại trên thị trường là chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và giá. Đặc biệt, tính năng và kiểu dáng của sản phẩm phải cập nhật đúng xu hướng thị trường.

Thực tế, Huawei đã có mặt từ Việt Nam từ 2010 thông qua các nhà phân phối như Vũ Hoàng Hải, DigiWorld... Hiện tại Huawei cũng đã bắt đầu thâm nhập lại thông qua các nhà phân phối khác và tập trung nhiều vào smartphone. 

Ông Hiểu Em cũng cho biết Thegioididong từng phân phối độc quyền nhiều model cho Huawei và nhận định đây là thương hiệu có kinh nghiệm về sản xuất phần cứng, chất lượng tốt. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, Huawei chưa có kênh phân phối ổn định, thiếu sản phẩm dẫn kênh (từ 3-6 triệu), sản phẩm ít...

Cũng theo chuyên gia này, thương hiệu điện thoại Trung Quốc rất khó xâm nhập vào phân khúc cao cấp và cận cao cấp cũng như thay đổi nhận thức của khách hàng về thương hiệu. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp loại trừ như OPPO.

Theo giới kinh doanh công nghệ, việc Huawei có trở thành “hiện tượng” hay không còn phải chờ một thời gian dài nữa. Và, hãng sẽ còn rất nhiều việc phải làm bởi miếng bánh thị trường tuy lớn song không ít những rào cản đang chờ đón Huawei. Trong đó, rào cản lớn nhất là tâm lý của “Thượng đế” khi họ luôn nghi kỵ sản phẩm của hãng được cài đặt ngầm những phần mềm không mong muốn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục