Đoàn công tác Ban Kinh tế TW làm việc ở Ninh Thuận

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng Ninh Thuận cần chú trọng đào tạo nghề, giải quyết nhà ở, đất sản xuất cho người thiểu số.
Chiều 24/8, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận về tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm 2013, một số nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm và tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đánh giá Ninh Thuận có chiến lược phát triển căn cơ bài bản; có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, nhất là mô hình liên minh, liên kết trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác hải sản đạt hiệu quả có khả năng nhân rộng.

Ông Vương Đình Huệ cũng đã điểm qua tình hình phát triển kinh tế xã hội tại một số tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, liên hệ gợi mở Ninh Thuận tìm giải pháp tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm gia tăng giá trị hàng hóa; thực hiện chuyển đổi kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh cần rà soát, bổ sung quy hoạch ngành, xây dựng hạ tầng, gắn công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong điều kiện kinh tế có nhiều khó khăn, tỉnh cần tạo điều kiện hỗ trợ nông dân trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch, tạo hài hòa trong thu nhập của các thành phần trong liên minh sản xuất; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm giải quyết nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số.

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận khái quát bước đi chiến lược của tỉnh như thuê tư vấn nước ngoài xây dựng quy hoạch tổng thể, qui hoạch dải ven biển, quy hoạch thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư. Do tình hình thực tế, để phát triển tỉnh rất cần được Trung ương áp dụng cơ chế đặc thù ưu đãi trong một số lĩnh vực đầu tư, trong đó bao gồm cả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh xác định tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, kể cả quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tranh thủ các nguồn lực và đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nông thôn, tập trung đầu tư và kích cầu ngành nông nghiệp, trong đó chú ý liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra tiêu thụ nông sản. Trước mắt từ nay đến cuối năm, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành nhiệm vụ năm 2013 như chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Nguyễn Đức Thanh báo cáo, trong 7 tháng đầu năm, kinh tế-xã hội tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định và có mặt chuyển biến, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 8,6%, thu ngân sách đạt 801,4 tỷ đồng (60% kế hoạch năm).

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm những tháng còn lại trong năm, toàn tỉnh tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết năm 2013 đã đề ra.

Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) đã thực sự đi vào cuộc sống; nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn được nâng lên, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân, nhất là đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cùng ngày, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương cũng đã tham quan khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và đi thực tế tại Cảng cá Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận./.

Đức Ánh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục