Doanh nghiệp Anh vẫn quan tâm đến Việt Nam

Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính, nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng thương mại hai chiều giữa Anh với Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan và sự quan tâm của các doanh nghiệp Anh tới thị trường Việt Nam không hề giảm sút.

Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính, nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng thương mại hai chiều giữa Anh với Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan và sự quan tâm của các doanh nghiệp Anh tới thị trường Việt Nam không hề giảm sút.

Tham tán Thương mại sứ quán Việt Nam tại Vương Quốc Anh và Bắc Ireland An Thế Dũng cho biết hiện Anh là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 3 ở Việt Nam với 105 dự án với tổng giá trị đầu tư khoảng 1,9 tỷ USD.

Về thương mại, năm 2007, kim ngạch thương mại 2 chiều đã đạt 1,8 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Anh đạt 1,6 tỷ. Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Anh là dệt may, giày dép, đồ gỗ, nông sản và thủy sản.

Dù gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính, song kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Anh và Việt Nam năm 2008 vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan. Tính đến hết tháng 10/2008, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 990 triệu bảng, tăng 21,2% so cùng kỳ 2007; trong đó, Anh nhập khẩu từ Việt Nam đạt 838 triệu bảng, tăng 17% so cùng kỳ năm 2007.

Theo đánh giá của Cơ quan Xúc tiến Thương mại và đầu tư Anh (UKTI), Việt Nam là một trong 10 thị trường triển vọng đang được các nhà đầu tư Anh quan tâm. Tháng 11 vừa qua, UKTI đã tổ chức một đoàn những công ty hàng đầu của Anh vào Việt Nam khảo sát thị trường, mở rộng hợp tác kinh doanh.

Ông Dũng cho biết trong những năm gần đây, người tiêu dùng Anh đã biết đến hàng hóa Việt Nam và họ đã dùng hàng Việt Nam. Hàng hóa "made in Vietnam" đã có nhiều ở các siêu thị trung tâm London như Primark, Mark & Spenser, ZARA, Tesco. Điều này chứng tỏ thị trường đã chấp nhận sản phẩm Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường Anh vẫn gặp một số khó khăn. Trước hết, cũng như các quốc gia EU, Anh rất coi trọng vệ sinh an toàn thực phẩm và họ có những quy định rất nghiêm ngặt trong vấn đề này. Vì vậy, những mặt hàng nông sản, thực phẩm luôn bị đe dọa bởi "hàng rào bảo vệ" sẵn sàng được dựng lên, nếu thấy có dấu hiệu ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Trong các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thì giày dép là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đối với thị trường Anh. Tuy nhiên, tháng 6/2008, Uỷ ban châu Âu (EC) đã đưa mặt hàng giày da Việt Nam ra khỏi danh sách được hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) giai đoạn 2009 đến 2011.

Tiếp đó, tháng 10/2008, EC lại ra quyết định rà soát thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam, theo đó mặt hàng này vẫn phải chịu mức thuế 10%. Và như vậy, năm 2009 mặt hàng này sẽ gặp nhiều khó khăn và vì vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Về triển vọng thương mại giữa Anh và Việt Nam trong năm 2009, ông Dũng cho rằng nước Anh đang trong tình trạng suy thoái kinh tế nên mức tiêu dùng của người dân chắc chắn sẽ suy giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam sang Anh trong năm 2009. Mặc dù vậy, về lâu dài, triển vọng thương mại giữa 2 nước là rất lớn.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Đại sứ Anh tại Việt Nam ông Mark Kent khẳng định Chính phủ Anh và giới doanh nhân tin tưởng vào tiềm năng lâu dài của mối quan hệ với Việt Nam và sự cần thiết phải tiếp tục làm việc chặt chẽ với Việt Nam để tận dụng thế mạnh của mối quan hệ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục