Doanh nghiệp cần làm gì để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng?

Để tạo niềm tin lãnh đạo các ngân hàng đề nghị doanh nghiệp cần đẩy mạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ… để tăng khả năng tiếp cận vốn.
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức chiều 20/10 tại tỉnh Đắk Lắk, các doanh nghiệp không còn nhiều ý kiến về giảm lãi suất, thay vào đó là câu chuyện đầu ra, câu chuyện pháp lý, tăng điều kiện cho vay vốn...

Lãi suất không còn là vấn đề lớn

Ông Nguyễn Văn Cửu, Phó giám đốc Công ty 2/9 - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu càphê lớn nhất tại tỉnh Đắk Lăk với doanh số gần 7.000 tỷ đồng mỗi năm cho hay dư nợ vay của công ty ông niên vụ tài chính vừa qua là 5.300 tỷ đồng, song thời điểm hiện tại chỉ còn 20 tỷ đồng, nguyên nhân là chưa đến mùa vụ.

Theo ông Cửu, năm 2022 lãi suất cho vay cao khiến chi phí của công ty tăng từ 40 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay liên tục hạ và việc tiếp cận vốn cũng "dễ thở" hơn.

[Kinh tế đang phục hồi, có nên tiếp tục giảm lãi suất điều hành]

Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện lãi suất cho vay ngoại tệ chỉ còn khoảng 4,4%/năm, lãi suất cho vay tiền đồng khoảng trên 7% tùy từng hạng mục.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Thị Lan Anh - đại diện Công ty xuất khẩu càphê Vĩnh Hiệp (Gia Lai) cho biết hiện nay khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong vấn đề tiếp cận vốn vay của các ngân hàng. Trong thực tế, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ đang phải vay vốn theo hình thức thế chấp bằng các bất động sản là chủ yếu. Việc vay vốn bằng thế chấp tài sản đang khiến các doanh nghiệp tư nhân chỉ được vay với số tiền rất hạn chế, trong khi việc thu mua cà phê lại rất khẩn trương vì đây là một mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao.

Vì vậy, đại diện của Vĩnh Hiệp đề nghị ngân hàng có chính sách cấp tín dụng theo từng ngành hàng, đặc biệt là ngành nông sản xuất khẩu trong đó có càphê. Ngoài ra có thể xem xét triển khai áp dụng các sản phẩm vay vốn, dựa vào phương án sản xuất kinh doanh, hợp đồng, quyền phải thu, dòng tiền, hàng hoá để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay tín chấp…

Trong khi đó, theo Giám đốc Công ty cà phê Đăk Uy (chi nhánh Tổng Công ty Cà phê Việt Nam) Nguyễn Cao Biền, công ty hiện đang có dư nợ tại Agribank tỉnh Kon Tum gần 40 tỷ đồng. Trước đây, Công ty vay theo chương trình tái canh càphê nhưng từ năm 2019 thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, cho vay tái canh càphê chuyển sang áp dụng cơ chế vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55.

“Vì vậy trong thời gian tới đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra các chính sách ưu đãi lãi suất với chương trình tái canh càphê, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn dài hạn với mức lãi suất thấp, bảo đảm cho doanh nghiệp hoàn thành tái canh càphê, mang lại năng suất ổn định và bảo đảm nguồn vốn trả nợ” ông Nguyễn Cao Biền kiến nghị.

Doanh nghiệp cần làm gì để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng? ảnh 1Kho chứa cà phê của Công ty 2-9. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng cho rằng lãi suất không còn là vấn đề lớn. Điều họ mong chờ nhất hiện nay là mặt bằng lãi suất thấp được duy trì ổn định lâu dài đồng thời các cơ quan ban ngành có thêm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu ra, hỗ trợ vướng mắc pháp lý…

Làm gì để dễ tiếp cận nguồn vốn?

Trước các kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị các ngân hàng tạo điều kiện cho vay tín chấp, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng Giám đốc Agribank lý giải để cho vay được tín chấp, ngân hàng cần phải kiểm tra tính minh bạch, tình hình tài chính của doanh nghiệp. Hiện có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra bắt cung cấp các báo cáo, đặc biệt là báo cáo thuế, nếu như báo cáo lệch nhau thì sẽ bị quy trách nhiệm.

Vì vậy, đối với vấn đề này, bà Bình khuyến nghị các các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường quản lý tài khoản dòng tiền, minh bạch tài chính, chủ động tiếp cận, đề xuất để ngân hàng có cơ sở cho vay vốn với những dự án mới hoặc tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động.

Tương tự, ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV cũng đề nghị doanh nghiệp để tạo niềm tin cho ngân hàng cần đẩy mạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, đẩy mạnh tái cơ cấu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, tích cực Chuyển đổi Số… để tăng khả năng tiếp cận vốn.

Doanh nghiệp cần làm gì để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng? ảnh 2Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Vietnam+)

Phát biểu tại hội nghị, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước cho rằng nền kinh tế của Việt Nam chưa lớn nhưng độ mở lại rất lớn, nên những tác động khách quan từ bên ngoài khiến chúng ta gặp khó khăn trong cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu nguyên vật liệu. Nhiều doanh nghiệp đang phải sản xuất cầm chừng, không bán được hàng dẫn đến tồn kho gia tăng. 

“Chưa có năm nào sự vật lộn của doanh nghiệp với những khó khăn đó lại vất vả như những tháng đầu năm nay. Trước hết, cần tạo sự ổn định để đảm bảo đời sống của người dân sau đó là ổn định sản xuất để đảm bảo tăng trưởng, tạo công ăn việc làm,” Phó Thống đốc nói.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành vừa phải giải quyết những khó khăn cũ, vừa phải giải quyết những khó khăn mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã có sự vươn lên mạnh mẽ, khả năng thích ứng linh hoạt để có thể chống chịu được trước những khó khăn, đó cũng là động lực để phát triển kinh tế.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thực trạng hiện nay doanh nghiệp nói thiếu vốn, ngân hàng nói thừa vốn. Để giải quyết được tình trạng này không thể giải quyết được ngay lập tức. 

“Đây là câu chuyện thị trường, nhưng nếu để thành trào lưu thì lại là câu chuyện của chính sách. Ngược lại, nếu ngân hàng cho vay ồ ạt sẽ dẫn đến đổ vỡ. Việc một số ngân hàng bị rơi vào tình trạng giám sát đặc biệt thời gian qua chính là bài học cho thấy luôn phải nâng cao công tác quản trị rủi ro trong quá trình cho vay,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh./.

Thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng tại khu vực Tây Nguyên, bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết đến 30/9 huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại khu vực này đạt 269.417 tỷ đồng, tăng gần 8%, tổng dư nợ tín dụng đạt 508.102 tỷ đồng, tăng 6,0% so với 31/12/2022, chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế.Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với khoản cho vay mới và cũ trên địa bàn ở mức 7,3%-9,1%.

Bà Giang cũng thông tin thêm, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Tây Nguyên đạt khoảng 297.501 tỷ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2022 chiếm 9,65% so với dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc. Cao nhất là dư nợ cho vay các mặt hàng chủ lực như càphê, cao su, hồ tiêu đều tăng khá…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục