Doanh nghiệp Hàn Quốc quan ngại về Đạo luật Chip và Khoa học của Mỹ

Đại diện của Hàn Quốc lo ngại điều kiện về tiền trợ cấp trong Đạo luật Chip và Khoa học của Mỹ không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và có thể gây trở ngại tới việc duy trì chuỗi cung ứng ổn định.
Doanh nghiệp Hàn Quốc quan ngại về Đạo luật Chip và Khoa học của Mỹ ảnh 1 Chánh Văn phòng phụ trách đàm phán thương mại của Chính phủ Hàn Quốc Ahn Duk-geun (phải) trong cuộc gặp Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai tại Washington, ngày 7/9/2022. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Chánh Văn phòng phụ trách đàm phán thương mại của Chính phủ Hàn Quốc Ahn Duk-geun đang trong chuyến công du 3 ngày đến Washington, nhằm thảo luận với giới chức Mỹ về các chi tiết gây quan ngại liên quan Đạo luật Chip và Khoa học mà Mỹ vừa công bố.

Phát biểu với báo giới ngay khi đến Mỹ ngày 8/3, ông Ahn Duk-geun cho biết Hàn Quốc và Mỹ đã hợp tác để xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn, nhưng điều kiện về tiền trợ cấp trong Đạo luật Chip và Khoa học của Mỹ không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và có thể gây trở ngại tới việc duy trì chuỗi cung ứng ổn định.

Do đó, trong chuyến thăm Mỹ lần này, phái đoàn Hàn Quốc sẽ nỗ lực trao đổi để tìm kiếm giải pháp với phía Mỹ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể hoạt động kinh doanh một cách ổn định trong thời gian tới.

Chính phủ Mỹ ngày 27/2 đã công bố hướng dẫn chi tiết về triển khai Đạo luật Chip và Khoa học với khoản trợ cấp lên tới 52,7 tỷ USD, cùng với nhiều ưu đãi về thuế, cho các nhà sản xuất chip đã thành lập cơ sở sản xuất tại Mỹ.

Tuy nhiên, để nhận được trợ cấp, các nhà sản xuất bị cấm thực hiện các khoản đầu tư mới để sản xuất chip ở Trung Quốc trong 10 năm; đồng thời phải cung cấp thông tin về nhà máy, kế hoạch tài chính, tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển cũng như chia sẻ lợi nhuận với Chính phủ Mỹ nếu lợi nhuận vượt quá mức dự kiến.

Giới chức và doanh nghiệp Hàn Quốc lo ngại rằng điều khoản chi trả trợ cấp không chỉ gia tăng bất ổn, mà còn có thể xâm phạm quyền công nghệ và kinh doanh của doanh nghiệp.

[Mỹ bắt đầu triển khai Đạo luật CHIPS và Khoa học trị giá 53 tỷ USD]

Trước khi thăm Mỹ, ông Ahn đã có cuộc gặp với đại diện phía hãng điện tử Samsung và SK Hynix để trao đổi về các nội dung quan trọng cần giải quyết liên quan tới Đạo luật Chip và Khoa học của Mỹ.

Hãng điện tử Samsung đang sản xuất 40% chip nhớ NAND Flash, hãng SK Hynix sản xuất 20% chip nhớ này và gần 50% bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) tại nhà máy ở Trung Quốc.

Việc Mỹ ngăn chặn các doanh nghiệp đầu tư vào Trung Quốc khiến hai hãng này không tránh khỏi việc phải điều chỉnh chiến lược sản xuất của mình.

Đặc biệt, phía Mỹ quy định việc nghiên cứu chung hoặc hợp tác công nghệ với phía Trung Quốc cũng sẽ khiến các doanh nghiệp phải hoàn trả tiền trợ cấp cho Mỹ.

Như vậy, các doanh nghiệp chỉ có thể duy trì tình hình sản xuất hiện tại, nhưng không thể tăng sản xuất chip bán dẫn ở Trung Quốc trong vòng 10 năm tới. Thậm chí có ý kiến chỉ ra rằng các doanh nghiệp cần phải cân nhắc chiến lược rút khỏi Trung Quốc.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ ký ban hành Đạo luật Chip và Khoa học hồi tháng 8/2022, Bộ Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc cùng nhiều cơ quan hữu quan đã lần lượt thăm Mỹ để trao đổi, nhằm tìm kiếm giải pháp hợp lý nhất cho các doanh nghiệp của Hàn Quốc.

Cho đến thời điểm hiện tại, phía Mỹ chưa công khai việc liệu các doanh nghiệp Hàn Quốc có được hưởng các ngoại lệ hay không.

Tuy nhiên, trong phát biểu mới nhất, Thứ trưởng phụ trách an ninh và công nghiệp Mỹ Alan Estevez cho biết các công ty Hàn Quốc có thể sẽ được yêu cầu giới hạn về mức độ phát triển chất bán dẫn tiên tiến ở Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục