Doanh nghiệp Nhật bi quan về khả năng quan hệ Nhật-Hàn

Bất chấp việc Hàn Quốc đã ra quyết định kéo dài có điều kiện GSOMIA với Nhật Bản, giới doanh nghiệp Nhật Bản dường như không kỳ vọng nhiều vào khả năng quan hệ giữa hai nước sẽ sớm hồi phục.
Doanh nghiệp Nhật Bản bi quan về khả năng quan hệ Nhật-Hàn cải thiện. (Nguồn: CNBC)
Doanh nghiệp Nhật Bản bi quan về khả năng quan hệ Nhật-Hàn cải thiện. (Nguồn: CNBC)

Theo hãng tin Jiji Press, bất chấp việc Hàn Quốc đã ra quyết định kéo dài có điều kiện Hiệp định Bảo đảm Thông tin Quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản sau cuộc họp kéo dài 11 giờ hôm 22/11, giới doanh nghiệp Nhật Bản dường như không kỳ vọng nhiều vào khả năng quan hệ giữa hai nước sẽ sớm hồi phục, bởi chưa có dấu hiệu nào cho thấy hai nước sẽ sớm tìm ra giải pháp cho vấn đề lao động cưỡng ép, nguyên nhân chính khiến cho quan hệ Nhật-Hàn xấu đi nghiêm trọng kể từ cuối năm ngoái.

Bên cạnh đó, tình cảm của người dân Hàn Quốc đối với Nhật Bản đã xấu đi sau khi Tokyo siết chặt quản lý hoạt động xuất khẩu đối với một số nguyên liệu bán dẫn sang Hàn Quốc hồi tháng 7/2019.

Mối quan hệ đang xấu đi giữa hai nước láng giềng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch và phân phối ở Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Hàn Quốc.

Về mặt địa lý, khu vực Kyushu gần Hàn Quốc nhất và đã từng thu lợi nhờ các du khách đến từ quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, gần đây, các nhà điều hành khách sạn, siêu thị và xe buýt ở khu vực này đã chứng kiến số lượng khách hàng Hàn Quốc sụt giảm mạnh.

Doanh nghiệp Nhật bi quan về khả năng quan hệ Nhật-Hàn ảnh 1Du khách Hàn Quốc thăm quan Nhật Bản. (Nguồn: SCMP)

Một quan chức của một siêu thị lớn ở Fukuoka, thành phố lớn nhất ở khu vực Kyushu, nói: “Thật không có ý nghĩa khi thúc đẩy các dịch vụ tại một quốc gia hầu như không có lợi."

Hiện nay, siêu thị này đã gần như từ bỏ các nỗ lực thu hút khách Hàn Quốc và đang tăng cường các chiến dịch thu hút các khách hàng Trung Quốc.

Cũng giống như vậy, tại khách sạn của ông Yoshihiko Shimizu, 65 tuổi, ở khu vực nghỉ dưỡng Yufuin thuộc tỉnh Oita trên đảo Kyushu, số lượng du khách Hàn Quốc đã giảm 80-90% so với trước đây.

Ông Shimizu nói: “Những du khách Hàn Quốc đã tới khách sạn này nhiều lần chưa trở lại khách sạn trong năm nay. Tôi không muốn quan hệ song phương giữa hai nước xấu thêm nữa."

Các số liệu thống kê của Tổng cục Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) cho thấy số lượng du khách Hàn Quốc tới Nhật Bản đã giảm xuống còn 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả là các hãng hàng không Hàn Quốc đã phải giảm 40% số lượng chuyến bay đi và đến Nhật Bản.

Sân bay Oita ở tỉnh Oita của Nhật Bản đã từng tiếp nhận 13 chuyến bay đi và đến giữa Nhật Bản và Hàn Quốc mỗi tuần. Tuy nhiên, các chuyến bay này đã bị đình chỉ và hiện tại không có chuyến bay quốc tế nào đến hoặc rời sân bay này.

Trong khi đó, trong tháng 10, doanh số bán dòng xe ôtô hạng sang Lexus của hãng Toyata ở thị trường Hàn Quốc cũng giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng chung số phận với Toyota, công ty Asahi Breweries Co. Ltd dự báo hãng sẽ mất vị thế nhà nhập khẩu bia số một tại thị trường Hàn Quốc sau khi giữ vị trí này trong tám năm liên tiếp. 

Trong bối cảnh đó, công ty may Onward Holdings Co. đã quyết định rút khỏi Hàn Quốc khi doanh số bán hàng ở thị trường này sụt giảm mạnh do tâm lý chống Nhật ở nước láng giềng đang gia tăng. 

Một quan chức của hãng chế tạo ôtô lớn của Nhật Bản nói: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác là hy vọng các vấn đề song phương sẽ được các chính trị gia hai nước giải quyết."

[Nhật Bản có thể sắp dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với Hàn Quốc]

Mặc dù vậy, ông Akio Mimura, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), vẫn khẳng định “tiến bộ lớn đã đạt được” khi đề cập tới việc Hàn Quốc thông báo quyết định kéo dài có điều kiện GSOMIA với Nhật Bản.

Tuy nhiên, có vẻ như quan hệ Nhật-Hàn sẽ chưa được cải thiện trong ngắn hạn.

Theo Jiji Press, hôm 24/11, một quan chức cấp cao của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc đã phản đối mạnh mẽ việc Nhật Bản bóp méo sự thật về quyết định duy trì GSOMIA.

Theo quan chức này, có thông tin rằng một quan chức cấp cao của Chính phủ Nhật Bản đã khẳng định Hàn Quốc đã phải nhượng bộ trước sức ép từ Mỹ và rằng quyết định của Seoul đánh dấu một thắng lợi ngoại giao đối với Tokyo.

Seoul đã phản đối Tokyo thông qua kênh ngoại giao, và phía Nhật Bản đã bày tỏ thông cảm và đưa ra lời xin lỗi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục