Doanh thu bán vé xe buýt giảm mạnh trong quý 1/2022 do dịch COVID-19

Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, doanh thu bán vé xe buýt của Tổng công ty Vận tải Hà Nội sụt giảm nặng nề và không hoàn thành kế hoạch đề ra trong quý 1/2022.
Doanh thu bán vé xe buýt giảm mạnh trong quý 1/2022 do dịch COVID-19 ảnh 1Xe buýt Hà Nội vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khi doanh thu vẫn đang sụt giảm vì dịch COVID-19. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo thông tin từ Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco), trong ba tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, xe buýt phải giảm 50% tần suất hoạt động với thời gian quy đổi ước tính chiếm khoảng một nửa quý 1, dẫn đến sản lượng chuyến lượt bằng 75,3% kế hoạch.

“Doanh thu bán vé được phân bổ ước đạt 23,4% kế hoạch, bằng 72,4% cùng kỳ năm 2021. Doanh thu toàn Transerco ước đạt bằng 88% kế hoạch, giảm trên 17% so với cùng kỳ năm 2021,” lãnh đạo Transerco cho biết.

Nhìn nhận kết quả hợp nhất các lĩnh vực ngoài buýt mặc dù vẫn khó khăn nhưng cơ bản giữ được ổn định và bảo toàn vốn, lãnh đạo Transerco cho hay riêng lĩnh vực buýt sẽ đảm bảo cơ bản yêu cầu bảo toàn vốn nếu doanh thu bán vé xe buýt được điều chỉnh do nguyên nhân khách quan.

Trong  quý 1/2022, Transerco đã tập trung rà soát, đề xuất điều chỉnh biểu đồ hoạt động các tuyến, lộ trình các tuyến theo hướng hợp lý hóa, giảm ùn ắc giao thông, mở rộng vùng phục vụ và tăng kết nối mạng lưới; chủ động phối hợp, đề xuất cơ quan quản lý nhà nước khắc phục các tồn tại, bất cập về hạ tầng tại các điểm dừng đỗ; xây dựng biểu đồ, tần suất chạy xe theo các kịch bản linh hoạt phù hợp với bối cảnh dịch bệnh, sẵn sàng thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo của thành phố.

“Đánh giá chung, hoạt động xe buýt đấu thầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng cơ bản được điều hành ổn định, đảm bảo chất lượng dịch vụ. Trong quý 1, Transerco đã đầu tư mới, thay thế 14 phương tiện trên 2 tuyến xe buýt theo yêu cầu của hồ sơ thầu,” đại diện Transerco thông tin.

[Xe buýt Hà Nội sụt giảm doanh thu bán vé 200 tỷ đồng vì COVID-19]

Đối với các tuyến buýt kinh doanh, 2 tuyến buýt sân bay số 68 và 86 đã hoạt động trở lại, tuy nhiên sản lượng chuyến lượt thấp, chỉ bằng 20-30% giai đoạn bình thường, tỷ lệ khách bình quân cũng chỉ đạt 6,5-6,8 khách/ lượt. Tuyến buýt Citytour đã khôi phục trở lại, tuy nhiên sản lượng chuyến lượt và doanh thu chỉ đạt chưa đến 20% so với cùng kỳ năm 2020. 

Do ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng cao dẫn đến giá của các loại hình dịch vụ, hàng hoá tăng theo, hai tuyến buýt kinh doanh cũng đã thực hiện tăng giá vé từ ngày 15/3/2022.

Trong thời gian tới, đối với lĩnh vực hạ tầng, đại diện Transerco cho hay thành phố Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó các bến xe liên tỉnh các bến xe khách, xe tải liên tỉnh được quy hoạch bố trí trên các trục hướng tâm tại cửa ngõ giao với Vành đai 4.

"Các bến xe khách liên tỉnh hiện tại (ngoại trừ Bến xe Yên Nghĩa) tạm khai thác sử dụng như hiện nay và sẽ được thay thế bằng các bến xe mới theo quy hoạch. Đây là những nguy cơ tác động đến ổn định và phát triển các đơn vị bến xe. Vì vậy, các đơn vị bến xe cần sớm có kế hoạch ứng phó, đẩy mạnh nghiên cứu đa dạng hoạt động để đảm bảo giữ ổn định trong hiện tại và thời gian tới," đại diện Transerco nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục