Đội mũ bảo hiểm rởm giống như dùng thuốc và thực phẩm giả

Theo ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, việc chống lại mũ bảo hiểm rởm là cuộc chiến và Chính phủ cần xử lý không khoan nhượng đối với các trường hợp vi phạm.
Đội mũ bảo hiểm rởm giống như dùng thuốc và thực phẩm giả ảnh 1Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn giúp tránh được chấn thương và giảm tỷ lệ tử vong sau các vụ tai nạn giao thông. (Ảnh: Quỹ AIP cung cấp)

Qua 10 năm thực hiện đội mũ bảo hiểm toàn dân, dù tỷ lệ đội mũ bảo hiểm của Việt Nam rất cao, tuy nhiên theo ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (Quỹ AIP), rất nhiều người đang đội mũ kém chất lượng, thậm chí là mũ rởm.

“Việc chống lại mũ bảo hiểm rởm là cuộc chiến và Chính phủ cần xử lý không khoan nhượng đối với các trường hợp vi phạm cũng như mỗi người phải chung tay trong cuộc chiến này,” ông Greig Craft nhấn mạnh.

Phóng viên VietnamPlus đã có trao đổi với ông Greig Craft xung quanh vấn đề này.

Biên lai xử phạt cứu sống, ngăn ngừa tai nạn

- Sau 10 năm thực hiện đội mũ bảo hiểm toàn dân, ông (bà) đánh giá như thế nào về việc thực hiện nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm của Việt Nam?

Ông Greig Craft: Sau khi Nghị quyết số 32 về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm ở người lớn được ban hành tháng 12/2007, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm tăng mạnh từ 30% lên đến 99%. Hiện nay tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở người lớn tại hầu hết các tỉnh, thành phố vẫn giữ trên mức 90%.

Trong hơn 10 năm thực hiện luật, Quỹ AIP ước tính cả nước đã tiết kiệm được 3,5 tỷ USD (khoảng 77.000 tỷ đồng) chi phí về y tế, tổn thất, thương tật. Một con số ước tính đáng kể khác là 500.000 chấn thương đầu và 15.000 trường hợp tử vong đã được phòng tránh do việc tăng cường đội mũ bảo hiểm.

Dù việc thực hiện luật đội mũ bảo hiểm đã trở thành một nét văn hóa, Việt Nam cần tiếp tục củng cố và tăng cường để nâng cao chất lượng thực thi luật ở người lớn và trẻ nhỏ cũng như các vấn đề còn tồn đọng như đội mũ bảo hiểm cho trẻ em và nạn mũ bảo hiểm rởm, kém chất lượng.

- Thực tế, tỷ lệ đội mũ bảo hiểm dành cho trẻ em, nhất là học sinh còn rất thấp và không duy trì ổn định. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân?

Ông Greig Craft: Nguyên nhân là do ý thức trách nhiệm của phụ huynh, nhà trường cũng như mức xử phạt của lực lượng chức năng là chưa cao.

Cơ giới hóa ở Việt Nam xảy ra không lâu nên khái niệm vấn đề an toàn giao thông vẫn còn mới, an toàn giao thông đường bộ chưa phổ biến nên dễ dàng thấy nhiều trường hợp học sinh sinh viên nghĩ vượt đèn đỏ là "ngầu". Một số công an bỏ qua nhưng đây là hành vi gây tai nạn nghiêm trọng, do đó cần có hệ thống thực thi pháp luật nghiêm để cải thiện tình hình này.

[Phụ huynh học sinh chưa hiểu được việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn]

Thậm chí, đôi khi các lực lượng Cảnh sát giao thông cảm thấy có lỗi khi phạt học sinh, sinh viên không đội mũ bảo hiểm nhưng đó là việc nên làm và mỗi tờ biên lai xử phạt là đã cứu sống, ngăn ngừa một tai nạn có thể xảy ra.

Ý tưởng đội mũ bảo hiểm giống như hình thức tiêm vắc xin phòng ngừa là ý tưởng hay và Quỹ AIP đã làm cách đây 5 năm để các bậc phụ huynh thấy rằng đó là việc làm thường ngày sẽ đảm bảo sự an toàn cho trẻ em khi lưu thông trên phố.

- Mũ bảo hiểm không đạt chuẩn vẫn được người dân bày bán trên các tuyến đường đô thị và một bộ phận người dân vẫn đội. Làm thế nào để dẹp bỏ hẳn loại mũ bảo hiểm rởm và siêu rẻ này, thưa ông?

Ông Greig Craft: Vấn nạn mũ bảo hiểm rởm rất nghiêm trọng, tương tự như thuốc và thực phẩm giả. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Khi có các vụ việc về thực phẩm rởm và thuốc rởm, người dân rất phẫn nộ và có hành động phản ứng chống lại nhà sản xuất với sản phẩm này trong khi cơ quan luật pháp đưa nhà sản xuất vào vòng lao lý. Do đó, việc sản xuất mũ bảo hiểm rởm cũng phải được xử lý nghiêm minh như vậy.

Mặt khác, cơ quan chức năng cần thu hồi tất cả mũ bảo hiểm giả trên thị trường, từ những điểm bán hàng trên phố, đến các cửa hàng và cần phạt nặng những người bán mặt hàng giả này.

Đặc biệt, lực lượng thanh tra Nhà nước cần đến kiểm tra đột xuất thường xuyên tại các nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm để kiểm tra chất lượng mũ thay vì các nhà máy tự gửi mẫu sản phẩm đến phòng thí nghiệm. Việc rà soát định kỳ như vậy sẽ buộc các nhà máy phải đảm bảo việc tiếp tục sản xuất mũ đạt chuẩn.

Một vấn đề nữa là có quá nhiều cơ quan chức năng cùng tham gia việc kiểm soát chất lượng mũ bảo hiểm như Bộ Khoa học và Công nghệ, Cảnh sát giao thông (Bộ Công An), quản lý thị trường (Bộ Công thương)... Bởi vậy, việc hợp tác hành động rất phức tạp và cần có quy trình xử lý cũng như trách nhiệm rõ ràng cho từng đơn vị.

Điều thứ ba là người dân mua mũ bảo hiểm giả do giá thành rẻ. Do đó, mức xử lý phạt phải cao mới có thể khiến người điều khiển xe không muốn bị phạt tiền do đội mũ bảo hiểm giả.

Việc chống lại mũ bảo hiểm rởm là cuộc chiến và Chính phủ cần xử lý không khoan nhượng đối với các trường hợp vi phạm cũng như mỗi người phải chung tay trong cuộc chiến này.

“Liều vắc xin” khá rẻ để bảo vệ bản thân

- Nếu đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn nguy cơ tử vong sẽ giảm so với mũ rởm ra sao?

Ông Greig Craft: Mặc dù tỷ lệ đội mũ bảo hiểm ở người lớn là 90%, rất nhiều người đang đội mũ kém chất lượng, thậm chí là mũ giả. Chỉ cần đứng chốt giao thông trong vòng 15 phút sẽ thấy được tỷ lệ người dân đội mũ bảo hiểm rởm như thế nào.

[Tỷ lệ đội mũ bảo hiểm trẻ em ở mức thấp và không duy trì ổn định]

Đỗi mũ bảo hiểm đạt chuẩn giảm tỷ lệ chấn thương đầu 40-42%, giảm tỷ lệ qua đời vì chấn thương lên tới 60%. Còn mũ bảo hiểm rởm thì tỷ lệ là 0% và không bảo vệ người đi đường khi gặp tai nạn.

Hầu hết các bậc phụ huynh không hiểu rằng, để bảo vệ đầu thì 99% là do lớp xốp cứng (lớp hấp thụ xung động) ở phía trong mũ bảo hiểm chứ không phải lớp vỏ nhựa bên ngoài. Lớp xốp cứng này chính là phần quan trọng nhất của chiếc mũ và là phần bảo vệ não và giúp giảm chấn động khi xảy ra va đập. Nếu chiếc mũ không có lớp xốp cứng thì hoàn toàn không có tác dụng gì trong việc bảo vệ an toàn.

- Hiện tại mức xử phạt hành vi không đội mũ bảo hiểm được cho là khá thấp (100.000-200.000 đồng) và chưa đủ sức răn đe cho các vi phạm?

Ông Greig Craft: Mức phạt đúng là còn rất thấp. Với thực tế nhiều người bỏ vài chục triệu đồng mua một chiếc xe máy, số tiền 200.000 đồng cho một chiếc mũ bảo hiểm là “liều vắc xin” khá rẻ để bảo vệ bản thân. Mũ bảo hiểm đạt chuẩn tại các quốc gia khác có thể đắt hơn từ 2-3 lần. Nếu mức phạt cho việc không đội mũ bảo hiểm được nâng cao hơn giá thành mua một chiếc mũ đạt chuẩn thì có lẽ các chủ phương tiện sẽ chọn việc đội mũ hơn là bị phạt.

- Quỹ AIP có những giải pháp gì cho Việt Nam để tỷ lệ chấn thương do không đội mũ bảo hiểm giảm xuống cũng như việc thực thi chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao hơn?

Ông Greig Craft: Để người dân đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn cần có sự tham gia của nhiều bộ phận xã hội. Việc đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật rất quan trọng để nâng cao tỷ lệ sử dụng mũ bảo hiểm ở trẻ em, đi đôi với đó là giáo dục và các chiến dịch truyền thông để có kết quả ổn định và lâu dài.

Đội mũ bảo hiểm rởm giống như dùng thuốc và thực phẩm giả ảnh 2Ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ AIP được trao tặng Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch Nước cho những đóng góp quan trọng về việc hiện thực hóa luật đội mũ bảo hiểm năm 2007. (Ảnh: Quỹ AIP cung cấp)

Xã hội đổ lỗi cho Chính phủ, Cảnh sát giao thông phạt nặng nhưng đó là điều không công bằng. Mọi ng không nên đổ lỗi cho chính quyền mà là do xã hội phải tự bảo vệ mỗi người.

Tỷ lệ sử dụng mũ bảo hiểm trên 90% là dấu hiệu khả quan cho thấy người dân sẵn sàng đội mũ bảo hiểm. Nếu họ không mua được mũ rởm thì chắc chắn sẽ đội mũ chuẩn và tất cả công dân đều muốn chấp hành nghiêm chỉnh Luật. Do đó, việc loại bỏ mũ bảo hiểm rởm chỉ là “một sớm, một chiều”.

- Ông sẽ chấm điểm mấy nếu theo thang điểm 10 về việc đội mũ bảo hiểm người dân Việt Nam?

Ông Greig Craft: Nếu chỉ tính tỷ lệ đội mũ bảo hiểm (không tính đến chất lượng mũ đội), Việt Nam đạt tới 8-9 điểm nhưng với trẻ em thì chỉ 3 điểm.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục