Đồng Nai: Hết 9 tháng, nhiều đơn vị vẫn chưa giải ngân vốn đầu tư công

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công ở Đồng Nai xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều vướng mắc, ách tắc đã được chỉ ra nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khơi thông.
Đồng Nai: Hết 9 tháng, nhiều đơn vị vẫn chưa giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1Đến nay, trong phạm vi dự án thành phần 2, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu vẫn bạt ngàn cây cao su. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công của Đồng Nai là hơn 14.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua 9 tháng tỉnh mới giải ngân khoảng 4.000 tỷ đồng, tương đương hơn 27% so với tổng vốn.

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công ở Đồng Nai xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều vướng mắc, ách tắc đã được chỉ ra nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để khơi thông.

Năm 2023, Ban Quản lý Dự án Bồi thường, Giải phóng mặt bằng và Hỗ trợ Tái định cư tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là Ban Quản lý Dự án Bồi thường) được giao gần 1.300 tỷ đồng để đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người dân vùng Dự án Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu song đến nay mới giải ngân được khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Bồi thường chia sẻ Ban Quản lý Dự án Bồi thường có tiền, muốn nhanh chóng giải ngân mà không chi được. Nguyên nhân do việc kiểm đếm đất đai, tài sản, xây dựng khu tái định cư phục vụ cao tốc gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn.

Đến nay, tỉnh vẫn chưa có giá đất cụ thể để bồi thường khi thu hồi đất tại Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Khu vực triển khai dự án có khoảng 3.700 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có hàng loạt hồ sơ đất phức tạp, sang nhượng, cho tặng đất bằng giấy viết tay, xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp.

Năm nay, Ban Quản lý Dự án Bồi thường khó hoàn thành giải ngân nguồn vốn được giao.

Năm 2023, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông Đồng Nai (viết tắt là Ban Quản lý Dự án Giao thông) được bố trí nguồn vốn hơn 1.100 tỷ đồng để triển khai 25 dự án. Đến đầu tháng 10 này, đơn vị đã giải ngân được gần 400 tỷ đồng.

Ông Dương Minh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giao thông cho biết tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Ban Quản lý Dự án Giao thông dù cao hơn mức trung bình của tỉnh nhưng vẫn không đạt mục tiêu.

Nguyên nhân do mặt bằng các dự án chậm được bàn giao, việc thi công bị gián đoạn, ngưng trệ. Đặc biệt là tại các dự án như Hương lộ 2, đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa.

“Ban Quản lý Dự án Giao thông đã kiến nghị điều chuyển vốn tại các dự án đang vướng mặt bằng sang dự án có mặt bằng sạch. Điều này giúp sử dụng vốn hiệu quả, tăng giải ngân vốn, đẩy nhanh việc thi công dự án," ông Dương Minh Tâm khẳng định.

[TPHCM thuộc nhóm địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước]

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Đồng Nai chậm, chưa đạt yêu cầu. Dù đã qua 9 tháng của năm 2023, nhưng nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh vẫn có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là 0%.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết giải ngân vốn đầu tư công ở Đồng Nai đạt thấp là do những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, năng lực chủ đầu tư cũng như đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công dự án. Nhiều hồ sơ dự án sai sót, phải chỉnh sửa mất thời gian.

Đồng Nai: Hết 9 tháng, nhiều đơn vị vẫn chưa giải ngân vốn đầu tư công ảnh 2Nhà thầu huy động máy móc, sẵn sàng thi công dự án thành phần 2, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

“Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai đang phối hợp cùng các sở, ngành lập đoàn kiểm tra, trực tiếp tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương, đơn vị. Trong quá trình kiểm tra, ngành chức năng sẽ lập tức giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc," ông Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh.

Tháng Chín vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Tại chỉ thị này, tỉnh vẫn không thay đổi mục tiêu phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công được Trung ương giao trong năm 2023. Như vậy, trong 3 tháng còn lại của năm, Đồng Nai phải giải ngân số vốn gấp hơn 2 lần so với vốn đã giải ngân trong 9 tháng năm 2023.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, để giải quyết các “điểm nghẽn," đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh yêu cầu các địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc giải phóng mặt bằng. Rà soát lại cơ cấu tổ chức, nhân sự thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Các địa phương thành lập các tổ vận động bàn giao mặt bằng, trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ dự án, đồng thuận bàn giao mặt bằng. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh sẽ là người chịu trách nhiệm chính đối với tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án.

Tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Xử lý nghiêm chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Kịp thời thay thế những nhân sự yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà cũng như kiên quyết xử lý hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Tại các dự án đang triển khai, chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết và thực hiện đúng kế hoạch theo tháng, quý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục