Dự án đường Vành đai 4: Hưng Yên đề nghị tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng

Hưng Yên đề nghị được thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng và xây dựng hạ tầng tại khu đất tái bố trí cho doanh nghiệp nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án.

Các cấp lãnh đạo huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên trực tiếp đi tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ về chủ trương, ý nghĩa của dự án. (Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN)
Các cấp lãnh đạo huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên trực tiếp đi tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu rõ về chủ trương, ý nghĩa của dự án. (Ảnh: Đỗ Huyền/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết trong quá trình triển khai Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền xử lý.

Tuy nhiên, khi thực hiện thu hồi đất dự án này trên địa bàn tỉnh phải thu hồi đất của một số doanh nghiệp; trong đó có một số doanh nghiệp bị thu hồi hết đất sản xuất hoặc thu hồi phần lớn diện tích đất, phần diện tích còn lại không đủ để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đều mong muốn tỉnh bố trí vị trí khác để tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên, trên cơ sở đề xuất của các địa phương và doanh nghiệp, tỉnh đã chấp thuận vị trí xây dựng các khu sản xuất tập trung để di dời các doanh nghiệp nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án.

Tuy nhiên, căn cứ quy định hiện hành của pháp luật về đất đai, việc thực hiện các trình tự, thủ tục giải phóng mặt bằng khu sản xuất tập trung nêu trên như dự án sản xuất kinh doanh mới sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng dự án.

Trên cơ sở các khó khăn, vướng mắc, tỉnh Hưng Yên đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (Cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội) xem xét tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Hưng Yên được tổ chức thực hiện việc thu hồi đất theo Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 là thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và xây dựng hạ tầng (san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông) tại khu đất tái bố trí cho các doanh nghiệp nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng dự án phải di dời để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó, đồng ý cho tỉnh bổ sung hạng mục thu hồi đất nêu trên vào trong Dự án thành phần 1.2 (Dự án thành phần 1.2 đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên phê duyệt chỉ bồi thường bằng tiền, chưa có cơ chế bồi thường bằng đất cho doanh nghiệp).

Kinh phí phát sinh nếu vượt tổng mức đầu tư dự án thành phần 1.2 đã được Quốc hội phê duyệt, tỉnh sẽ bố trí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, với tổng chiều dài 112km, đi qua 3 địa phương gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, dự án qua địa phận tỉnh Hưng Yên có chiều dài 19,3km, đi qua 4 huyện Văn Giang (10,2km), Khoái Châu (dài 0,57km), Yên Mỹ (dài 2,5km), Văn Lâm (dài 6,6km).

Tổng mức đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là 5.244,5 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết số 56 về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4, tỉnh Hưng Yên được giao phối hợp với Hà Nội triển khai dự án thành phần 3 (đường cao tốc) và trực tiếp tổ chức thực hiện hai dự án thành phần là dự án 1.2 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên có mức đầu tư 3.739,9 tỷ đồng) và dự án 2.2 (xây dựng đường song hành, đường đô thị với mức đầu tư 1.504,6 tỷ đồng).

duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-6801043-7378.jpg
Sơ đồ dự án đường Vành đai 4-Vùng thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hưng Yên, thời gian qua, Sở và các địa phương liên quan đã phối hợp chặt chẽ trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.

Đến nay, tỉnh đã thu hồi đất và bàn giao cho chủ đầu tư là 195,6/230,2 ha đạt 85%, di chuyển được 2.702/4051 ngôi mộ, đạt 67%. Đồng thời, đã khởi công và tổ chức xây dựng 5/11 khu tái định cư và 2/7 khu cải tạo mở rộng nghĩa trang, các khu tái định cư và khu cải tạo nghĩa trang còn lại. Hiện tỉnh đã khởi công dự án thành phần 2.2: Xây dựng đường song hành (đường đô thị).

Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hưng Yên, cho biết qua 1 tháng triển khai thi công dự án thành phần 2.2 nhà thầu Lizen đã tổ chức 4 mũi thi công đường, đến nay, bóc đất hữu cơ lên khuôn đường khoảng 59.107/794.024m3, đắp cát khoảng 49.256/727.675m3, đang chuẩn bị triển khai thi công cắm bấc thấm và các công tác khác.

Tổng giá trị hợp đồng của gói thầu thuộc dự án thành phần 2.2 khoảng 1.253 tỷ đồng, sản lượng thi công đến nay thuwcj hiện 13 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 1,1%.

Đến nay, tỉnh Hưng Yên đã giải ngân 2.278,76 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2023 của dự án.

Tỉnh Hưng Yên đang đôn đốc các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng 34,6ha còn lại và di chuyển 1.156 ngôi mộ. Đồng thời, tập trung di chuyển ngầm nổ các hạng mục trung, hạ thế, hệ thống thông tin, cấp nước và hoàn thành việc di chuyển tuyến đường dây điện cao thế từ 110kV đến 500kV trong năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục