Trang tin của Tổ chức phân tích thông tin tình báo Stratfor (Mỹ) ngày 26/12 đăng tải bài viết dự báo rằng vị thế của nước Nga tại châu Á và châu Âu sẽ được cải thiện trong năm tới, trong bối cảnh nước Mỹ trong quá trình chuyển giao quyền lực còn Liên minh châu Âu (EU) phải đương đầu với nhiều thách thức.
Theo Stratfor, trong 3 năm qua, Nga đã đối mặt với không ít khó khăn mang tính chiến lược và phải đối phó với áp lực không nhỏ từ Phương Tây.
Các quốc gia có vị thế chiến lược nằm dọc biên giới Nga như Ukraine, Moldova và Gruzia đã có xu hướng xích lại gần EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Mặt khác, Moskva còn phải đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, gây tác động kinh tế nặng nề, đặc biệt sau khi giá dầu giảm mạnh vào giữa năm 2014.
Tuy nhiên, Stratfor dự báo trong năm 2017, tình hình nước Nga khả quan hơn trong khi EU vẫn phải đối mặt với những vấn đề nội bộ phức tạp.
Giới phân tích cho rằng sau sự kiện Brexit (Anh rời khỏi EU), các cuộc bầu cử ở Pháp, Hà Lan, Đức và có thể cả Italy trong năm tới nhiều khả năng sẽ khoét sâu thêm những chia rẽ tại châu Âu và thách thức tương lai hội nhập ở "Lục địa già."
Trong bối cảnh EU có những xáo trộn, khối này sẽ không muốn xúc tiến việc kết nạp thêm thành viên mới trong năm tới.
Khi triển vọng gia nhập EU và NATO có thể chững lại, các nước như Ukraine, Moldova và Gruzia sẽ đánh giá lại quan hệ với Nga.
Trên thực tế, Tổng thống mới đắc cử của Moldova, ông Igor Dodon, đã cam kết sẽ cải thiện mạnh mẽ quan hệ với Nga.
Trong khi đó, tại Mỹ có thể diễn ra sự thay đổi cơ bản trong chính sách của Washington đối với Moskva sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức.
Bên cạnh đó, vị thế của Nga cũng được cải thiện sau khi Không quân Nga hỗ trợ quân đội Syria gần đây đã giành nhiều thắng lợi.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định Nga có thể giành được ảnh hưởng tại những nước như Azerbaijan và Uzbekistan, hai quốc gia vốn giữ quan điểm trung lập với Nga kể từ khi Liên Xô tan rã. Gần đây, Moskva đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác quân sự với từng nước.
Ngay cả những quốc gia thuộc Liên Xô trước đây như Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan, cũng có thể sẽ tăng gấp đôi sự hợp tác với Nga trong năm tới. Nhiều nước trong số này đã ký các hiệp định với Moskva để thúc đẩy sự hòa nhập trong lĩnh vực an ninh.
Do đó, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), những tổ chức chủ chốt mà Nga tham gia, có thể hoạt động tích cực hơn trong năm 2017./.