Đưa “âm hưởng” Chiếu dời đô vào âm nhạc

Giải thưởng âm nhạc 2009 được mùa về chủ đề 1.000 năm Thăng Long, đặc biệt là hợp xướng "Dời đô - ngàn năm vang mãi" của Nguyễn Tiến.
Giải thưởng âm nhạc năm 2009 có thể nói là đã được mùa về chủ đề 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội trong thể loại ca khúc.

Có thể kể tới các tác phẩm như "Một chiều với Tây Hồ" (Tô Hải), " Ngàn năm một cõi ca trù" (Đỗ Hòa An), "Hà Nội của tôi" (Đoàn Bổng)... và đặc biệt là hợp xướng "Dời đô - ngàn năm vang mãi" của Nguyễn Tiến (được trao giải Nhất).

Phóng viên chúng tối đã có cuộc trò chuyện cùng Nhạc sỹ Nguyễn Tiến, ngay sau khi anh nhận giải.

Lời ca trong "Dời đô - ngàn năm vang mãi" rất hào sảng, anh lấy ý tưởng từ đâu khi sáng tác ca khúc này?

Tôi dựa vào Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn. Nhưng tất nhiên tôi phải thêm thắt nhiều cho thành câu chuyện chứ không phải bê nguyên Chiếu dời đô.

Tôi đã tưởng tượng ra cảnh Lý Công Uẩn phải tư duy, trăn trở, nuối tiếc như thế nào khi quyết định dời đô, tạo dựng nghiệp lớn.

Để viết tác phẩm này, chắc hẳn anh trăn trở rất nhiều về giai điệu?

Tôi lấy chất tuồng là chính, vì tuồng là một trong những loại hình âm nhạc truyền thống có tính chất hào sảng, khẳng định được hào khí của cha ông. Âm điệu chính ở "Dời đô - ngàn năm vang mãi" chính là chất hào khí của tuồng.

Anh đã đã mời nghệ sĩ nào thể hiện ca khúc này đầu tiên?

Đầu tiên là ca sĩ Lương Huy của Đoàn Ca múa Quân đội. Đây là một ca khúc vừa mới “vỡ hoang” thôi, nhưng đã được một số người công nhận là bài hát của 1.000 năm Thăng Long.

Một số anh ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội... nói với tôi rằng: “Đã tìm được bài hát cho 1.000 năm Thăng Long” và hứa hẹn sẽ sử dụng ca khúc này cho 1.000 năm Thăng Long.

Ca sĩ Lương Huy hát ra chất tuồng, rất thành công, được huy chương vàng và 2 huy chương vàng khác trong hội thi chuyên nghiệp toàn quốc đầu Xuân 2009. Ca sĩ Ngọc Ký trong Sao Mai vừa rồi cũng thành công.

Anh có thể tiết lộ thêm một chút về mình và những sáng tạo với cây đàn bầu trong mấy chục năm qua...

Tôi hiện công tác tại Đoàn Ca múa Quân đội. Là một nghệ sỹ ưu tú về đàn bầu, tôi đã được gần 20 giải thưởng và các loại huy chương vàng, bạc, bằng danh dự, bằng khen trong nước và quốc tế. Giai điệu đàn bầu ảnh hưởng đến tôi rất lớn.

Tôi nghĩ như vậy vì các ca khúc của tôi như "Hoa cau vườn trầu", "Nhớ đêm giã bạn", "Chuyện tình lá diêu bông", "Chiều mưa Hà Nội"... đều mang âm hưởng từ đàn bầu và dân ca.

Sở dĩ từ một nghệ sĩ về đàn bầu, tôi chuyển sang sáng tác là vì tôi không tìm được nhạc sĩ nào phối khí đàn bầu cho. Vì họ quan niệm đàn bầu là cổ điển, lỗi thời... Tôi quyết tâm đi học để tự phối khí cho mình và chính quyết tâm đó đã khiến tôi trở thành một nhạc sĩ.

Tôi từng sáng tạo ra que ngắn hai chiều trong biểu diễn đàn bầu từ những năm 1970, để tạo ra sự linh hoạt và thuận lợi khi biểu diễn đàn bầu.

Sáng tạo của tôi mở ra một trường phái sử dụng que ngắn cho Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và các lớp học sinh sau này!

Xin cảm ơn anh!

Hoài Thương (TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục