Dừng xét xử vụ “rút ruột” tượng đài Điện Biên Phủ

Hội đồng xét xử vụ “rút ruột” Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đã quyết định dừng phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Sáng 31/3, Hội đồng xét xử vụ án tham ô, “rút ruột” Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ đã ra quyết định dừng phiên tòa, trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung.

Theo Hội đồng xét xử, qua hai ngày xét hỏi công khai, tòa thấy cần phải bổ sung thêm các chứng cứ quan trọng để làm rõ hành vi phạm tội của tám bị cáo trong vụ án này.

Cụ thể, cần làm rõ việc các bị cáo Lê Huyên, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và Nguyễn Đức Sứng, nguyên Chủ nhiệm khoa Tạo dáng, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội nhận số tiền 65 triệu đồng.

Hội đồng xét xử yêu cầu cơ quan điều tra giám định lại đồng đúc tượng; giám định tài chính đầu tư vào dự án xây dựng Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiện nay, hồ sơ vụ án đang tồn tại hai bản kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an và một bản giám định của Trung tâm đo lường và Kiểm định chất lượng khu vực I.

Hội đồng xét xử cũng yêu cầu làm rõ sự thỏa thuận giữa các bị cáo Lương Phượng Các và Võ Thị Hồng về số tiền liên quan đến hành vi đưa và nhận hối lộ, đồng thời điều tra bổ sung để làm rõ động cơ mục đích của Võ Thị Hồng đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tòa cũng yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ hơn việc lấy dự toán được phê duyệt để làm căn cứ quy kết đối với hành vi cố ý làm trái của các bị cáo Lương Phượng Các, Lê Văn Viễn, Nguyễn Văn Chính, Trần Quốc Hưng, Võ Thị Hồng, Nguyễn Trọng Hạnh về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong dự toán, tỷ lệ hao hụt khi đúc tượng được xác định là 25%, và điều này cần bổ sung làm rõ trong giám định tài chính.

Chứng cứ xác định rõ hành vi phạm tội của bị cáo Trần Quốc Hưng về tội cố ý làm trái các quy định Nhà nước cũng cần được bổ sung cũng như cần cung cấp thêm tài liệu, vật chứng của vụ án hiện đang lưu giữ tại Kho bạc thành phố Hà Nội.

Tòa cũng yêu cầu làm rõ việc đổ bêtông tươi vào lõi tượng có làm ảnh hưởng đến chất lượng tượng đài hay không.

Luật sư Trần Thắng Cảnh thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trọng Hạnh đánh giá: "Việc dừng xét xử phiên tòa là hết sức công minh và sáng suốt bởi vì nếu không cẩn thận và đánh giá được thực chất vụ án này có thể gây ra oan sai. Ngay trong kết luận của cáo trạng cũng cho thấy sự lủng củng."

Về các yêu cầu, lý do để dừng phiên tòa, ông Cảnh cho rằng còn thiếu việc yêu cầu điều tra, bổ sung trách nhiệm của những đứng đầu mà cụ thể là ban chỉ đạo các dự án tỉnh Điện Biên./.

Trường Thành-Xuân Tiến (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục