Đường hướng chính sách của Chính quyền Mỹ đối với Triều Tiên

Ông Biden dường như đang phải đối mặt với khó khăn trong chính sách đối ngoại về Triều Tiên và nhiều vấn đề nội tại cũng như những khác biệt chưa được hóa giải từ thời chính quyền ông Donald Trump.
Đường hướng chính sách của Chính quyền Mỹ đối với Triều Tiên ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Nguồn: AFP)

Yonhap/the standard.com.hk/eurasiareview.com/BBC đưa tin lần đầu tiên một giới chức cấp cao trong chính quyền Mỹ khẳng định chính sách của Washington đối với Triều Tiên sẽ kế thừa “thỏa thuận Trump-Kim” năm 2018 và các thỏa thuận khác được ký giữa các chính quyền tiền nhiệm với Bình Nhưỡng.

Thông điệp này đã được đưa ra trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in diễn ra ngày 21/5.

Cùng chủ đề, tạp chí Eurasia Review nhận định ông Biden đang phải đối mặt với khó khăn trong chính sách đối ngoại về Triều Tiên và nhiều vấn đề nội tại cũng như những khác biệt chưa được hóa giải từ thời chính quyền ông Donald Trump.

Ông Biden kế thừa “Thỏa thuận Singapore”

Trả lời hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) ngày 18/5, ông Kurt Campbell - người điều phối chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng - khẳng định rằng chính quyền Biden “đã tiến hành phân tích kỹ lưỡng” tất cả những gì mà các chính quyền tiền nhiệm đã thử nghiệm trước đây.

“Thỏa thuận Singapore” năm 2018 và các thỏa thuận khác giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ tiếp tục là cơ sở cho chính sách của Washington đối với Bình Nhưỡng.

[Ngoại trưởng Hàn Quốc: Chính sách mới của Mỹ với Triều Tiên là thực tế]

Thỏa thuận Singapore, thường gọi là thỏa thuận Trump-Kim, được cựu Tổng thống Donald Trump ký với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6/2018.

Trong “thỏa thuận lịch sử” này, nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết sẽ hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Hai bên cũng cam kết thiết lập quan hệ mới, một nền hòa bình ổn định và bền vững trên bán đảo.

Sau thỏa thuận Singapore, ông Trump và Kim Jong-un đã họp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội năm 2019 với mục tiêu xác lập lộ trình phi hạt nhân hóa.

Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội kết thúc mà hai bên không ra được tuyên bố chung. Kể từ đó, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc.

Quan chức phụ trách điều phối chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh rằng chính sách của chính quyền Biden đối với Triều Tiên“không hề mang tính thù địch mà hướng đến việc tìm ra các giải pháp.”

Một mặt khẳng định kế thừa các thỏa thuận dưới các chính quyền trước, mặt khác ông Kurt Campbell cũng nhấn mạnh đến “một cách tiếp cận mới và khác” trong chính sách với Triều Tiên bởi “các cách tiếp cận trước đây đều thất bại.”

Theo quan chức Mỹ, Washington không hề ảo tưởng về hồ sơ Triều Tiên bởi đây là “một trong các thách thức an ninh nghiêm trọng nhất” mà thế giới phải đối mặt.

Ngoài ra, một bản tin khác của Yonhap dẫn lời phó phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter khẳng định mục tiêu của Mỹ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Những thông điệp trên được đưa ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 21/5 được kỳ vọng tập trung tìm giải pháp để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Ngoài chủ đề Triều Tiên, hai bên thảo luận vấn đề hợp tác về vaccine chống COVID-19 và chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn.

Thế khó của ông Biden

Với tiêu đề “Biden đối mặt với tình huống khó khăn khi cân bằng quan hệ về vấn đề Triều Tiên,” trang mạng eurasiareview.com nhận định cuộc họp thượng đỉnh này sẽ là minh chứng cho thấy vì sao châu Á-Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Giải thích về thách thức đối với chính quyền Biden hiện nay, trang mạng này nói rằng Triều Tiên vẫn không có nhiều thay đổi trong vòng 4 năm qua.

Những cuộc thử nghiệm tên lửa cho thấy Bình Nhưỡng đang tiến gần đến khả năng phát triển được đầu đạn hạt nhân có thể được gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.

Đây từng là "lằn ranh đỏ" mà ông Trump đã vạch ra và sẽ trở thành một thách thức chính trị nghiêm trọng đối với ông Biden. Hiện tổng thống Mỹ vẫn chưa bổ nhiệm đặc phái viên xử lý các cuộc đàm phán hạt nhân.

Ngoài ra, cũng giống như năm 2018, thách thức trọng tâm trong quá trình đối thoại về vấn đề hạt nhân Triều Tiên là sự khác biệt trong cách diễn giải giữa Washington và Bình Nhưỡng về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Đối với ôngTrump, điều này dường như đồng nghĩa với việc giải trừ vũ khí hạt nhân một phía.

Trong khi đó, đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, điều này dường như sẽ là một tiến trình đàm phán kéo dài, trong đó Bình Nhưỡng được đặt ngang hàng với Mỹ.

Theo cách hiểu này, sẽ không có gì ngạc nhiên khi ông Kim Jong-un lâu nay vẫn lo lắng về việc đưa ra những cam kết cụ thể về khung thời gian cụ thể cho tiến trình phi hạt nhân hóa.

Ông Kim Jong-un muốn đạt được thêm những nhượng bộ kinh tế và chính trị từ ông Trump (và giờ là từ ông Biden) trước khi cắt giảm năng lực hạt nhân của mình, chứ chưa nói gì đến việc nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Một lý do mà Bình Nhưỡng có động thái “câu giờ” là vì ông Kim Jong-un, chứ không phải ông Trump, đã trở thành bên hưởng lợi lớn hơn từ quá trình đàm phán này.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên không đưa ra nhượng bộ cụ thể nào, trong khi đó, đội ngũ cố vấn của ông Trump đã hoãn các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn và đề cập khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt nếu Bình Nhưỡng làm “điều gì đó có ý nghĩa” về yêu cầu phi hạt nhân hóa.

Đây cũng chính là bối cảnh mà ở đó đã xuất hiện những bằng chứng về việc Triều Tiên tiếp tục làm giàu urani và đẩy mạnh sản xuất tên lửa.

Theo eurasiareview.com, những vấn đề còn tồn đọng nói trên từ thời chính quyền cựu Tổng thống Trump chính là thách thức về mặt ngoại giao đối với ông Biden. Ông Trump chỉ có thể đạt được những cam kết mơ hồ của ông Kim Jong-un về phi hạt nhân hóa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục