Chứng khoán "dưỡng sức"

Dưỡng sức, ủ mưu mong kiếm "lãi Mèo từ vốn Cọp"

Sau một năm "thất bát" các nhà đầu tư chứng khoán đang tranh thủ Tết "dưỡng sức, ủ mưu" để kiếm lại ‘lãi Mèo to bằng vốn Cọp.”
“Cuối năm ngoái thị trường có khó khăn, song Tết vẫn dư giả cho vợ con được chuyến du lịch Trung Quốc. Nhưng năm nay đầu tư chứng khoán thất bát quá, khéo tôi phải mừng tuổi vợ bằng... cổ phiếu mất,” anh Trần Quang, một nhà đầu tư gạo cội trên sàn chứng khoán than thở pha lẫn một chút châm biếm.

Chứng khoán... chợ chiều

Những ngày sát thời gian thị trường chứng khoán đóng cửa nghỉ lễ, mỗi sáng anh Quang vẫn cần mẫn tới sàn chứng khoán. Không phải anh lên sàn để sùng sục mua, bán chứng khoán mà cốt là để gặp gỡ mấy chiến hữu, rủ nhau cà phê qua ngày cho đỡ buồn.

Nhìn cảnh phố phường nhộn nhịp người người mua sắm đón Tết, ai nấy trong nhóm anh không khỏi thở dài. Nhớ lại, giờ này năm trước, họ còn oang oang bàn tán sôi nổi việc “đánh đấm phục thù” lấy lại khoản tài chính bị bay hơi, thâm một phần vào lãi hồi đầu năm kiếm được.

Rồi sau đó, họ lại quay ra khoe nhau những món đồ quý hiếm, đắt tiền mới tậu hay những kế hoạch du xuân hoành tráng cho cả gia đình.

Còn giờ, mọi người chỉ còn biết đồng cảm, động viên nhau bình tâm, chờ đợi những thông tin tốt từ kinh tế vĩ mô, kỳ vọng những cơ hội mới để tìm lại những khối tài sản đã mất.

“Trong nhóm có người mất cả nhà, cả xe thì còn tinh thần đâu mà Tết với nhất. Tôi cũng mất ngót phân nửa tiền vốn, chẳng dám hé lời với mọi người trong gia đình. Vợ hỏi thì cứ ậm ừ cho qua chuyện, chứ mà nói ra chắc lại cô ấy lại rên rỉ, mất hết cả Tết, chỉ tội mấy đứa con,” anh Quang nói.

Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Thanh Bình cũng buồn không kém. Vốn là một nhà đầu tư khá lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, năm 2010, thị trường chứng khoán đi ngang quá lâu, thấy chiến lược đầu tư cũ không có hiệu quả, anh Bình liều lĩnh chuyển sang đầu tư vào nhóm cổ phiếu “nóng” thị giá thấp.

Ban đầu đã thu được một số thành quả nhất định, sau thành ham anh quyết định sử dụng đòn bảy với tỷ suất cao tham gia cùng “đội lái”, kết quả là lãi đi đường lãi, gốc thì chẳng còn là bao.

“Chơi chứng khoán càng ngày càng khó, đầu tư bao nhiêu mất bấy nhiêu. Người nào càng liều lĩnh thì càng mất nhiều. Cuối cùng thì cũng đúc kết được - Ai đi ngược xu thế thị trường thì đều thất bại,” anh Bình buồn bã chia sẻ.

Khi được hỏi về kế hoạch Tết của gia đình, anh Bình trở nên trầm tư. Gia đình thuộc vào hàng khá giả nên thường anh Bình không có thói quen lo lắng, đối với anhTết đến là chuyện mặc nhiên. Vợ chồng con cái thoải mái sắm sửa, trang hoàng nhà của và lễ nghĩa cho cha mẹ.
  
Nhưng năm nay, không khí đón Tết trong gia đình anh trầm hẳn, khi mà công việc buôn bán của vợ không thuận lợi, cộng thêm khoản nợ nần vì anh trót "đa mang".

“Chẳng còn hào hứng gì, chỉ còn biết bình thản chờ đợi Tết trôi đi lặng lẽ,” anh Bình thơ thẩn nói.

Tự rơi vào bẫy

Anh Nguyễn Tuấn Anh, một người bạn cùng đầu tư với anh Bình cho biết, năm Canh Dần có thể nói là năm làm ăn khó khăn nhất của các nhà đầu tư nào chót gắn bó và có những giao dịch thường xuyên trên thị trường chứng khoán.

Trong năm qua, sự biến động trái chiều giữa VN-Index so với xu hướng chung của thị trường đã khiến nhà đầu tư rơi vào ma trận, lạc lối giữa các dòng cổ phiếu được “đánh lên, đánh xuống” bất thường. Chỉ số này đã không còn mang tính chỉ dẫn hay là cái neo để các nhà đầu tư xác lập cho mình hướng đầu tư.

Tâm lý “càng mất nhiều, càng mong gỡ lại” đã thôi thúc nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bảy tài chính với tỷ trọng lớn khi thị trường có dấu hiệu xuất hiện sóng ngắn. Vì không lường hết được hết tính chất rủi ro của thị trường nên các nhà đầu tư mạo hiểm này đã trở thành nạn nhân của những “cái bẫy cổ phiếu tăng nóng”, mà thậm chí họ cũng có đóng góp một phần tạo ra.

Anh Tuấn Anh chỉ ra một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng trên, khi thị trường kém thanh khoản vì các hoạt động đầu tư giá trị và lướt sóng đều thua lỗ, nhiều nhà đầu tư chuyển sang chơi hàng T+0 (vay mượn cổ phiếu để bán).

Hoạt động đánh lên, đánh xuống từng mã cổ phiếu diễn ra ngay trong phiên khiến giá cổ phiếu lên xuống chập chờn, không thể kiểm soát nổi, đẩy nhiều nhà đầu tư tiếp tục sa lầy.

Đối với bản thân mình, mặc dù theo trường phái đầu tư giá trị, song anh Tuấn Anh cũng đang trong tình trạng âm vốn vài chục phần trăm.

“Thị trường đi ngang, sóng cổ phiếu vừa nhấp nhô đã bị san phẳng. Chứng khoán chưa về đến tài khoản (ngày T+4) thì giá đã lại quay đầu. Thế thì lãi vào đâu! Tết này nghỉ dài ngày, chắc mấy anh em tụi tôi tranh thủ ngủ, lấy sức nghĩ mưu kiếm lại ‘lãi Mèo to bằng vốn Cọp’,” anh Tuấn Anh hy vọng./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục