ECOWAS cam kết tăng quân đội tới trợ giúp Mali

Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi quyết định tăng cường quân đội tới trợ giúp chính quyền Mali đẩy lùi phiến quân Hồi giáo.
Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) ngày 26/1 quyết định tăng cường quân đội tới trợ giúp chính quyền Mali đẩy lùi phiến quân Hồi giáo.

Phát biểu sau một cuộc họp khẩn cấp của ECOWAS tại Abidjan, Bộ trưởng Quốc phòng Cote d'Ivoire Soumaila Bakayoko cho biết 15 nước thành viên ECOWAS đã nhất trí huy động 5.700 binh sĩ tới Mali, trong khi Sát - nước không phải thành viên ECOWAS - cũng cam kết đóng góp 2.000 binh sĩ nhằm tăng cường cho chiến dịch do Pháp chỉ huy chống lại phiến quân Hồi giáo có dính líu tới mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda ở Bắc Mali. Trước đó, ECOWAS đã cam kết đóng góp một lực lượng 3.300 quân.

Cùng ngày, Mỹ đã nhất trí tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu của Pháp trong chiến dịch ở miền Bắc Mali. Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết Lầu Năm Góc sẵn sàng điều động hạm đội lớn gồm các tàu tiếp nhiên liệu trên không cho các lực lượng của Pháp tại Mali chừng nào chiến dịch này còn tiếp diễn. Hiện Mỹ có một hạm đội gồm hơn 400 tàu chở dầu trang bị các máy bay tiếp nhiên liệu và máy bay chiến đấu trên không, trong khi Pháp có khoảng 14 tàu chở dầu.

Hai Bộ trưởng cũng đã thảo luận về sự hỗ trợ quân sự của Mỹ nhằm "xóa bỏ thiên đường an toàn cho khủng bố ở Mali", cách thức để Mỹ vận chuyển binh sĩ từ các quốc gia châu Phi, trong đó có Sát và Togo, để trợ giúp các nỗ lực quốc tế tại Mali. Cuộc thảo luận của ông Panetta diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Barack Obama điện đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande và cam kết cùng nhau thanh toán khủng bố ở khu vực Bắc Phi.

[Lực lượng Pháp-Mali chiếm căn cứ của phiến quân]

Trong một diễn biến liên quan, các quan chức Liên minh châu Phi (AU) cho biết các chiến dịch chống phiến quân tại Mali sẽ cần tới 760 triệu USD. Con số này được đưa ra trong các cuộc thảo luận trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 20, dự kiến khai mạc trong ngày hôm nay 27/1 tại thủ đô của Ethiopia. Khoản tiền trên bao gồm 460 triệu USD để Phái bộ quốc tế Hỗ trợ Mali (MISMA) giải phóng miền Bắc Mali, và 300 triệu USD để cơ cấu lại quân đội nước này.

Tại một hội nghị thượng đỉnh thu nhỏ của Hội đồng Hòa bình và An ninh AU tối 25/1, Chủ tịch Hội đồng Lamamra Ramtane đã một lần nữa kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc "lập tức cho phép Hội đồng một cơ chế thuận lợi nhằm đảm bảo hoạt động tài chính ổn định, đầy đủ và bền vững cho MISMA". Hiện tại, cam kết của Liên hợp quốc với Mali chỉ mang tính chính trị, theo đó đồng ý huy động MISMA trong một năm theo Nghị quyết ngày 20/12/2012.

Trong khi đó, các đại diện của Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) và Mỹ đã bắt đầu các cuộc thảo luận từ ngày 26/1 tại Addis Abeba về đề nghị của AU trong vấn đề Mali./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục