EP thông qua quy định mới để thu hẹp chênh lệch lương theo giới tính

Ngày 30/3, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua các quy định chặt chẽ, buộc các doanh nghiệp EU minh bạch về tiền lương nhằm đảm bảo trả lương bình đẳng giữa nhân viên nam và nữ.
EP thông qua quy định mới để thu hẹp chênh lệch lương theo giới tính ảnh 1Ảnh minh họa.(Nguồn: Reuters)

Ngày 30/3, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua các quy định chặt chẽ, buộc các doanh nghiệp Liên minh châu Âu (EU) minh bạch về tiền lương nhằm đảm bảo trả lương bình đẳng giữa nhân viên nam và nhân viên nữ, đồng thời đưa ra các mức phạt có thể áp dụng đối với trường hợp phân biệt đối xử.

Theo dữ liệu chính thức năm 2020, thù lao trung bình cho các lao động nữ trong mỗi giờ ít hơn 13% so với lao động nam dù làm cùng một công việc tại 27 nước thành viên EU. 

Theo các quy định mới, người lao động có thể yêu cầu được biết các mức lương cá nhân và mức lương trung bình, phân chia theo giới tính tại nơi làm việc. Thông báo của EP nêu rõ các công ty không được giữ bí mật tiền lương. 

Theo các quy định khác, công ty có ít nhất 100 nhân viên phải định kỳ công bố thông tin về chênh lệch lương theo giới tính.

Nếu chênh lệch lên đến 5%, các công ty phải trao đổi với những người đại diện cho nhân viên.

Công ty vi phạm quy định sẽ bị phạt, trong đó có cả phạt tiền. Những nhân viên nhận thấy họ là nạn nhân của sự phân biệt đối xử có thể đòi bồi thường.

[Australia buộc các công ty công bố mức chênh lệch lương theo giới tính]

Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu thông qua quy định mới này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho rằng cần minh bạch tiền lương để đảm bảo công bằng giới. Chủ tịch EC nêu rõ: "Phụ nữ phải nắm được liệu chủ lao động có đối xử công bằng với họ hay không.

Nếu họ không được đối xử công bằng thì họ phải có quyền đấu tranh và giành những gì mà họ đáng được hưởng." Khoảng cách tiền lương theo giới tính có sự khác nhau giữa các quốc gia trong khối EU.

Mức chênh lệch ở Luxembourg là 0,7%, trong khi tại Pháp lên đến 15,8%, Đức là 18,3% và Latvia là 22,3%.

EC lần đầu tiên đề xuất các quy định nói trên vào tháng 3/2021. Quy định được đưa ra EP sau khi Hội đồng châu Âu đại diện cho các quốc gia thành viên EU chính thức ký duyệt.

Các nước EU sẽ phải đưa các quy định này vào luật quốc gia trong vòng 3 năm sau khi quy định được công bố trên thông báo chính thức của khối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục