EU bác đề xuất nghỉ thai sản 5 tháng nguyên lương

Ngày 6/12, chính phủ các nước EU đã bác bỏ kế hoạch gây tranh cãi về việc các sản phụ được nghỉ thai sản 5 tháng hưởng nguyên lương.
Ngày 6/12, chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ kế hoạch gây tranh cãi về việc các sản phụ được nghỉ thai sản năm tháng hưởng nguyên lương.

Các bộ trưởng 27 nước thành viên EU cho rằng đề xuất của Nghị viện châu Âu (EP) về tăng thời gian nghỉ thai sản từ 14-20 tuần là quá nhiều.

Bộ trưởng Lao động Bỉ Joelle Milquet nhấn mạnh EP đã "đi quá xa" khi đề xuất tăng thời gian nghỉ thai sản lên 20 tuần được hưởng nguyên lương và cho rằng đó không phải là "cơ sở để bàn thảo."

Hồi tháng 10 vừa qua, EP cũng đưa ra đề xuất cho phép các ông bố được nghỉ hai tuần để chăm sóc đứa con mới sinh. Nhiều nghị sĩ bảo thủ cũng như Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo việc đưa ra các chính sách kinh tế "gượng ép" tương tự là không thực tế.

Bộ trưởng Lao động Đức Kristina Schröder nhận định với tình hình kinh tế hiện nay, Đức không thể chấp thuận đề xuất trên và cho rằng luật về nghỉ thai sản của nước này vẫn được thực hiện tốt mà không cần sự can thiệp của EU.

Không chỉ có Đức, mà đại diện của Pháp và Anh cũng phản đối đề xuất nói trên, bởi để thực hiện đề xuất trên, Pháp sẽ phải chi thêm 1,3 tỷ euro cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong khi chi phí thanh toán tiền nghỉ thai sản của Anh sẽ tăng gấp đôi, lên khoảng 2,75 tỷ euro mỗi năm.

Trước đó, EC đề xuất thời gian nghỉ thai sản phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) là 18 tuần và đề xuất này sẽ được xem xét, bàn thảo vào năm tới.

Hiện trong EU, Anh là nước cho phụ nữ nghỉ thai sản dài nhất với 52 tuần. Tuy nhiên, sản phụ được hưởng 90% lương chỉ trong sáu tuần đầu tiên. Còn phụ nữ Đức được nghỉ thai sản 14 tuần, phụ nữ Pháp là 16 tuần và Bỉ là 15 tuần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục