EU kỳ vọng có cách tiếp cận chung về vấn đề giá năng lượng

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez mong muốn Liên minh châu Âu (EU) đứng ra mua năng lượng cho các thành viên theo gói tổng thể giống như cách khối này đã mua vaccine phòng COVID-19.
EU kỳ vọng có cách tiếp cận chung về vấn đề giá năng lượng ảnh 1Công nhân kiểm tra định kỳ hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại trung tâm kiểm soát khí tự nhiên ở Hajduszoboszlo, cách Budapest (Hungary) hơn 200km về phía Đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định các nước Liên minh châu Âu (EU) có "không gian chính trị" để nhất trí về một cách tiếp cận chung giúp giải quyết vấn đề giá năng lượng tăng cao.

Phát biểu sau cuộc họp của EU và lãnh đạo các nước Tây Balkan ở Slovenia, ông Michel cho rằng đây là vấn đề ở cấp độ quốc gia nhưng có "không gian chính trị" để tìm được cách tiếp cận chung cho toàn châu Âu.

Ông Michel cũng cho biết thêm đây sẽ là vấn đề được ưu tiên trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 21-22/10.

Hiện các nước EU vẫn đang chia rẽ về cách thức phản ứng với tình trạng giá năng lượng tăng cao kỷ lục. Tây Ban Nha, Pháp và Hy Lạp muốn đề nghị EU có phản ứng chung và thời gian qua đã đưa ra nhiều đề xuất để cải tổ thị trường năng lượng bị cho là rất phân mảnh của khối này.

Hy Lạp đề nghị EU thành lập quỹ chung giúp các nước thành viên ứng phó với khủng hoảng. Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng EU đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi các biện pháp đặc biệt, sáng tạo và mạnh mẽ.

Tây Ban Nha mong muốn EU đứng ra mua năng lượng cho các thành viên theo gói tổng thể giống như cách khối này đã mua vaccine phòng COVID-19.

[EC kêu gọi đầu tư cho năng lượng tái tạo để ổn định giá khí đốt]

Thủ tướng Tây Ban Nha cho rằng Ủy ban châu Âu (EC) có thể đại diện các nước thành viên đứng ra mua khí đốt hoặc đại diện cho nhóm các nước nhất trí với cách làm này. Ông Sanchez cũng đề xuất EC phối hợp với các công ty tư nhân để đàm phán.

Trong khi đó, nhóm các nước do Đức và Hà Lan dẫn đầu, lại kêu gọi thận trọng, cho rằng tình trạng này chỉ xảy ra trong ngắn hạn và liên quan đến cú sốc cung ứng chưa từng có tiền lệ do tác động của đại dịch COVID-19.

Năm 2021, giá khí đốt và năng lượng châu Âu tăng phi mã trong bối cảnh nguồn cung khí đốt hạn hẹp trong khi nhu cầu tăng mạnh khi các nền kinh tế đều nối lại hoạt động sau thời gian đóng cửa vì COVID-19.

Khi mùa Đông đang đến gần, giá năng lượng tại châu Âu cũng tăng lên mức cao kỷ lục, gia tăng áp lực với nhiều chính phủ, trong đó một số nước đã phải triển khai các biện pháp khẩn cấp.

EU cho biết sẽ kiểm tra cách vận hành thị trường năng lượng của khối và xem xét các đề xuất để củng cố những quy định nội khối trong bối cảnh liên minh này muốn duy trì các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu dù giá năng lượng tăng cao kỷ lục.

Trong tuần tới, EC, cơ quan điều hành của EU, sẽ đưa ra các biện pháp nhằm kiềm chế tình trạng giá cả tăng phi mã. Sau đó, các đề xuất sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị EU ở Brussels từ 21-22/10./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục