EU tìm kiếm vai trò trong giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine

Liên minh châu Âu và Liên đoàn Arab cùng thống nhất rằng chỉ có giải pháp 2 nhà nước Israel và Palestine cùng chung sống hòa bình mới có thể giải quyết được cuộc xung đột này.
EU tìm kiếm vai trò trong giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine ảnh 1Người biểu tình Palestine ném đá vào lực lượng an ninh Israel, phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel tại thành phố Hebron, Khu Bờ Tây ngày 8/12/2017. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Ngày 26/2, tại Brussels, Ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc gặp với đại diện của các nước Arab, gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Jordan và Maroc, với mục tiêu thúc đẩy nối lại các cuộc đối thoại Israel và Paletine sau quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Phát biểu sau cuộc gặp giữa các Ngoại trưởng EU và Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nhấn mạnh rằng "quy chế đặc biệt và đặc tính của thành phố Jerusalem phải được giữ nguyên."

Bà cũng cho biết EU và AL cùng thống nhất rằng chỉ có giải pháp 2 nhà nước Israel và Palestine cùng chung sống hòa bình mới có thể giải quyết được cuộc xung đột này.

EU và AL cho rằng Jerusalem phải là thủ đô chung của cả Israel và nhà nước Palestine trong tương lai.

EU và AL tiến hành cuộc gặp trên trong bối cảnh Mỹ đang chuẩn bị chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến một cơ sở tạm thời tại Jerusalem, dự kiến hoạt động vào tháng 5 tới.

Cuộc thảo luận này vắng mặt nhiều bộ trưởng của EU, song bà Federica Mogherini cho rằng những người tham dự đã có được quan điểm chung dựa trên ý tưởng phải tránh "những bước sai lầm" là nguyên nhân gia tăng cực đoan cùng nguy cơ biến xung đột chính trị thành xung đột tôn giáo, và điều này sẽ chỉ làm vấn đề trở nên căng thẳng hơn.

Bà Mogherini bày tỏ hy vọng rằng vai trò của EU trong khu vực cùng sự hiểu biết của EU về hồ sơ này phải được tính đến.

[Thủ tướng Israel hoan nghênh việc Mỹ dời Đại sứ quán tới Jerusalem]

Ngoại trưởng Luxembourg Jean Aselborn đánh giá sự có mặt đầy đủ của các đại diện các nước Arab tại cuộc thảo luận này là một tín hiệu mạnh mẽ gửi đến Mỹ rằng không thể tồn tại cái gọi là "phương án B" và không một giải pháp nào có thể thay thế cho giải pháp hai nhà nước.

Theo Ngoại trưởng Jean Aselborn, cuộc họp này có mục đích thuyết phục các nước như Saudi Arabia hay Ai Cập, vốn đang có quan hệ gần gũi với Mỹ hơn EU, rằng họ phải cố gắng gây ảnh hưởng đến chính sách của Washington trong hồ sơ Israel-Palestine.

Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders cũng bày tỏ lạc quan về nhận định chung của các bên trong việc nối lại con đường đối thoại dù chưa có kết quả chắc chắn.

Giới phân tích nhận định EU mong muốn giữ một vai trò tại khu vực Trung Đông. Trước khi tiến hành cuộc gặp với đại diện các nước Arab, Ngoại trưởng các nước EU đã có các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Brussels.

Trong khi đó, cùng ngày, đảng Bảo thủ đối lập tại Canada tuyên bố sẽ nối bước chính quyền Tổng thống Trump công nhận thành phố Jerusalem là thủ đô của Isarel, nếu đảng này đánh bại đảng Tự do cầm quyền của Thủ tướng Justin Trudeau trong cuộc bầu cử vào năm 2019.

Trong tuyên bố đăng tải trên trang web chính thức, đảng Bảo thủ nêu rõ đảng này "công nhận thực tế rõ ràng là Israel có quyền quyết định đặt thủ đô của mình ở đâu."

Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh không có kế hoạch chuyển đại sứ quán của Canada khỏi Tel Aviv. Tuy nhiên, Canada là một trong số 35 nước đã bỏ phiếu trắng trong phiên họp đặc biệt bất thường của Đại hội đồng Liên hợp quốc để bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hồi tháng 12 năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục