Một trong những chủ đề mà 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong các ngày 23-24/10 ở thủ đô Brussels của Bỉ là xác định lộ trình về năng lượng-khí hậu của tổ chức này từ nay đến năm 2030, bao gồm 3 nội dung chính: giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tiêu thụ năng lượng và giảm tiêu thụ năng lượng.
Trong lĩnh vực năng lượng, EU trước đây đã xác định 3 mục tiêu chính đến năm 2020: giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, sử dụng 20% năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng và tăng 20% hiệu quả sử dụng năng lượng. Tại cuộc họp lần này, EU đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990. Tuy nhiên, các tổ chức môi trường cho rằng con số 40% không thể hiện nỗ lực của EU vì tổ chức này vốn đang thực hiện mục tiêu 32%.
Về năng lượng tái tạo, EU hướng tới tỷ lệ 27% vào năm 2030, mục tiêu này mang tính ràng buộc đối với mọi thành viên EU. Tuy nhiên, Đức đề xuất tỷ lệ 30% trong khi Thụy Điển và Bồ Đào Nha muốn mức cao hơn nữa.
EU xác định mục tiêu tăng 30% hiệu quả sử dụng năng lượng để giảm tiêu thụ năng lượng, một mục tiêu được dự báo sẽ gây nhiều tranh cãi vì biểu đồ tiêu thụ năng lượng cho thấy tỷ lệ tăng hiệu quả sử dụng năng lượng của EU chỉ có thể đạt 12% từ nay đến năm 2030.
Được khởi động cách đây 8 tháng, các cuộc thảo luận về năng lượng trong EU được xem là nhằm tạo đà để hướng tới một hiệp định toàn cầu về năng lượng với các cường quốc công nghiệp từ châu Á, châu Phi và những nước khác trên thế giới tại Hội nghị ở thủ đô Paris của Pháp vào năm 2015./.