EU xem xét lại các ưu tiên chính sách sau cuộc bầu cử EP

Tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu ở thủ đô Brussels của Bỉ, lãnh đạo 28 nước thành viên nhất trí xem xét lại các ưu tiên chính sách của tổ chức này.

Ngày 27/5, tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) ở thủ đô Brussels của Bỉ, lãnh đạo 28 nước thành viên nhất trí xem xét lại các ưu tiên chính sách của tổ chức này, đồng thời trao cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy sứ mệnh hoạch định các mục tiêu chính sách về một loạt vấn đề từ việc làm đến năng lượng.

Phát biểu với báo giới sau hội nghị, ông Rompuy nói rõ EU đang thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, vì thế cần có một chương trình nghị sự tập trung vào tăng trưởng, việc làm và cạnh tranh. Ngoài ra, EU cần phản ứng mạnh với thách thức về biến đổi khí hậu, cần thúc đẩy liên minh năng lượng và bớt phụ thuộc vào mặt hàng này.

Theo kế hoạch, EU sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng Sáu tới để xem xét những kết luận mà ông Rompuy đưa ra sau các cuộc tham vấn song phương với Chính phủ các nước thành viên EU cũng như sau các cuộc họp của Nghị viện EU khóa mới.

Tại cuộc họp, lãnh đạo EU cũng thảo luận việc lựa chọn người những đứng đầu các thể chế trong EU, đặc biệt chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đầy quyền lực. Lãnh đạo Anh, Đức, Hungaria và Thụy Điển ủng hộ đề xuất của các đảng trong EP chỉ định Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker giữ chức vụ này, song có không ít ý kiến trái chiều.

Ông Junker thuộc khối các Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) hiện đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử EP. Nếu ông Juncker không giành được sự ủng hộ của 376 nghị sỹ trong EP 751 thành viên thì ông Martin Schulz thuộc khối các đảng Xã hội về nhì sẽ là ứng viên thay thế. Trong trường hợp lãnh đạo các quốc gia thành viên không chấp nhận cả 2 ứng viên này thì EU sẽ rơi vào khủng hoảng thể chế.

Trong cuộc bầu cử EP vừa diễn ra tại 28 quốc gia thành viên EU, các đảng cực hữu và chống EU đã giành được một số thắng lợi, tạo cơn chấn động và gây lo ngại trong toàn EU.

Theo giới phân tích, khủng hoảng kinh tế kéo theo hệ quả là tỷ lệ người thất nghiệp gia tăng và các chương trình "thắt lưng buộc bụng" nhằm cân bằng ngân sách đã khiến cử tri quay sang ủng hộ đảng cực hữu và theo xu hướng chống EU. Tuy nhiên, các lực lượng chống EU khó có thể là trở ngại chính đối với tiến trình nhất thể hóa của tổ chức này do khối EPP và khối các đảng Xã hội sẽ vẫn là hai lực lượng lớn nhất trong EP.

Theo kết quả sơ bộ bầu cử EP, EPP chiếm 213 ghế, đảng Xã hội 190 ghế. Kết quả này cũng mang lại cho các đảng trung hữu, trung tả và khối đảng Tự do đa số làm việc hiệu quả, trong khi khối chống EU sẽ chỉ chiếm 140 ghế.

Theo các nhà phân tích, các nhóm hoài nghi đồng tiền chung châu Âu, bài ngoại và theo đường lối phátxít khó liên kết với nhau, nhưng có thể đủ mạnh để đưa ra quan điểm của họ và làm chậm tiến trình thông qua các quyết định tại EP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục