EuroCham: Niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi

Mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đã tăng lên rõ rệt, 24% doanh nghiệp tự tin vào tình hình hiện tại và 29% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh doanh cho quý 1/2024 là 'xuất sắc' hoặc 'tốt'.

29% doanh nghiệp xếp Việt Nam vào danh sách 'các quốc gia cạnh tranh hàng đầu' trong ASEAN. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
29% doanh nghiệp xếp Việt Nam vào danh sách 'các quốc gia cạnh tranh hàng đầu' trong ASEAN. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Ngày 8/1, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thông tin niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, khi Chỉ số Niềm tin Kinh doanh trong quý 4/2023 (BCI) đã đạt 46,3 điểm.

Mức độ hài lòng tăng rõ rệt

Kết quả khảo sát của EuroCham đối với hơn 1.400 thành viên trong nhiều lĩnh vực khác nhau cho thấy mặc dù mức độ lạc quan chung về sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trong quý 4 giảm nhẹ 2 điểm phần trăm, song lại được bù đắp nhiều hơn bằng mức giảm 14 điểm phần trăm về dự đoán suy thoái kinh tế. Do đó, mức độ hài lòng của các doanh nghiệp đã tăng lên rõ rệt.

Cụ thể, 24% doanh nghiệp tự tin vào tình hình hiện tại (trong quý 3 là 32%). Cùng với đó, triển vọng cho quý 1/2024 cũng rất tích cực với 29% doanh nghiệp đánh giá triển vọng của họ là 'xuất sắc' hoặc 'tốt'. Một dấu hiệu nữa cho thấy những mối lo ngại cũng đang giảm dần, số doanh lo lắng cực độ của đã giảm từ 9% (quý 3) xuống 5% (quý 4).

Khu vực doanh nghiệp Việt Nam cũng đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng, 31% công ty có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong quý 1/2024 và 34% có ý định tăng mức đầu tư, một sự tăng trưởng rõ ràng kể từ năm 2023.

Cuộc khảo sát cũng nêu bật vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vực ASEAN, khi 29% doanh nghiệp xếp Việt Nam vào danh sách 'các quốc gia cạnh tranh hàng đầu' trong ASEAN. Đa số (45%) coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh mạnh, mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định. Quan điểm này nhấn mạnh tầm ảnh hưởng ngày càng tăng và tiềm năng phát triển hơn nữa của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế ASEAN. Kết quả cũng cho thấy 40% số người được hỏi đánh giá lực lượng lao động của Việt Nam có trình độ vừa phải với sự kết hợp giữa các kỹ năng cơ bản và trung cấp.

Những thách thức và cơ hội pháp lý

Tuy nhiên, báo cáo của EuroCham cũng cho hay đã nhận được những phản ánh về các thách thức pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt. Cụ thể, 52% số người được hỏi xác định “gánh nặng hành chính và sự kém hiệu quả của bộ máy” là một trong ba rào cản hàng đầu. Điều này nêu bật ảnh hưởng của sự quan liêu đối với hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, 34% doanh nghiệp nhấn mạnh “các quy tắc, quy định không rõ ràng và được giải thích khác nhau” cũng là một thách thức lớn đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc rõ ràng và nhất quán trong khuôn khổ pháp lý.

Đảm bảo giấy phép và các phê duyệt cần thiết cũng là mối quan tâm của 22% số người được hỏi. Điều này chỉ ra những rào cản về thủ tục trong hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, 20% cho rằng “thiếu chuyên gia địa phương có trình độ chuyên môn trong các lĩnh vực chuyên ngành” là một vấn đề quan trọng, vì vậy khoảng cách về nguồn nhân lực cần được cân nhắc và giải quyết.

Thêm vào đó, 19% công ty nhận thấy 'các quy định về thị thực, giấy phép lao động và quy định lao động đối với người nước ngoài’ là thách thức, phản ánh sự phức tạp của việc quản lý lực lượng lao động quốc tế theo hệ thống pháp luật hiện hành.

Về mặt giải pháp, 54% số doanh nghiệp được hỏi kêu gọi 'tinh giản bộ máy hành chính’ và 45% ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc 'tăng cường hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý, 30% công ty coi 'phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm đường, cảng và cầu' là điều cần thiết để thu hút FDI.

Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit chia sẻ niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang ngày càng tăng, dữ liệu mới của năm 2023 củng cố thêm thông tin này. Năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. “Đây là minh chứng rõ ràng cho niềm tin ngày càng tăng vào nền kinh tế Việt Nam,” ông Gabor Fluit nhấn mạnh.

Theo ông Gabor Fluit, với việc chào đón hơn 12,6 triệu du khách vào năm 2023, Việt Nam đã tăng gấp ba lần số lượng khách du lịch quốc tế so với năm trước. Và, sự chú ý toàn cầu về Việt Nam như một điểm đến hàng đầu dành cho doanh nhân và khách du lịch cũng báo hiệu sự phục hồi kinh tế trên diện rộng.

Ông Thue Quist Thomasen Giám đốc của Decision Lab (đơn vị thực hiện khảo sát) đánh giá quỹ đạo kinh tế dài hạn của Việt Nam cho thấy con đường tăng trưởng đầy hứa hẹn. Trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam đang thể hiện khả năng mang tính thương hiệu của mình trong việc mang lại môi trường kinh doanh ổn định, với kết quả đo lường nằm trong khoảng từ 40 đến 50 điểm ở quý thứ 5 liên tiếp.

“Sự ổn định và tiềm năng cải thiện vào năm 2024 sẽ là cơ sở cho việc Việt Nam tiếp tục nhận được đầu tư trực tiếp nước ngoài,” ông Thue Quist Thomasen cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục