FAO kêu gọi 130 triệu USD nhằm giúp Đông Phi ứng phó hạn hán

Hạn hán kéo dài khiến cây trồng héo úa, động vật suy yếu đang gây ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở vùng Sừng châu Phi, nơi cuộc sống của khoảng 12-14 triệu người đang bị đe dọa.
FAO kêu gọi 130 triệu USD nhằm giúp Đông Phi ứng phó hạn hán ảnh 1Hạn hán ảnh hưởng nặng nề tới chăn nuôi gia súc tại Kenya. (Nguồn: FAO)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ngày 11/2 đã kêu gọi khoảng 130 triệu USD để hỗ trợ khẩn cấp cho các cộng đồng dễ bị tổn thương, sống tại các khu vực bị hạn hán ở Ethiopia, Kenya và Somalia.

FAO cảnh báo tình trạng hạn hán kéo dài triền miên đang gây ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở vùng Sừng châu Phi, nơi cuộc sống của khoảng 12-14 triệu người đang bị đe dọa, do cây trồng héo úa và động vật suy yếu.

Phó Tổng Giám đốc FAO - bà Beth Bechdol, cùng Điều phối viên tiểu vùng Đông Phi - ông David Phiri, và Giám đốc phụ trách các tình huống khẩn cấp và khả năng phục hồi - ông Rein Paulsen, vừa hoàn thành chuyến thăm đến Kenya nhằm nâng cao nhận thức về hạn hán và các hành động của FAO.

Theo bà Bechdol, các chu kỳ hạn hán đang gia tăng và lặp lại thường xuyên hơn, do đó cần phải có hành động nhân đạo ngay lập tức để hỗ trợ nông dân và người chăn nuôi gia súc-gia cầm.

Phát biểu sau khi đến thăm các cộng đồng ở Kenya - nơi dê và bò đang chết vì thiếu nước và đồng cỏ, bà Bechdol nhấn mạnh: "Cộng đồng quốc tế chỉ còn rất ít thời gian để ngăn chặn một thảm họa nhân đạo lớn."

[FAO huy động 138 triệu USD chống nạn đói ở vùng Sừng châu Phi]

Một nghiên cứu do Cơ quan phân tích an ninh lương thực và dinh dưỡng (FSNAU) ở Somalia thực hiện và công bố ngày 11/2 cho thấy số người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng chỉ riêng ở nước này dự kiến sẽ tăng từ 3,5 lên 4,1 triệu người trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng 2/2022, nếu không có viện trợ nhân đạo kịp thời.

Theo ông Phiri, hồi chuông báo động đã vang lên và cần phải có những hành động quy mô lớn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Ông nêu rõ: “FAO đã sớm tiến hành các hành động trong nửa cuối năm 2021 ở Ethiopia, Kenya và Somalia để giảm thiểu tác động của hạn hán đối với hơn một triệu dân nông thôn, và cho đến nay cuộc khủng hoảng đã phần nào tránh được. Nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa, bởi vì tình hình đang xấu đi và khủng hoảng đang rình rập"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục