FAO: Mỹ Latinh-Caribe nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng

Báo cáo của FAO chỉ ra rằng cứ 10 người ở Mỹ Latinh và Caribe thì có 1 người bị thiếu ăn và con số này đã tăng lên cùng với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.
FAO: Mỹ Latinh-Caribe nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng ảnh 1Người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ ở ngoại ô thủ đô Lima, Peru ngày 28/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 23/12, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo Mỹ Latinh và Caribe đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong bối cảnh tỷ lệ đói nghèo ở khu vực này hiện nay đang ở mức cao nhất trong 15 năm trở lại đây.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, báo cáo từ văn phòng khu vực của FAO chỉ ra rằng cứ 10 người ở Mỹ Latinh và Caribe thì có 1 người bị thiếu ăn và con số này đã tăng lên cùng với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và có xu hướng tiếp tục gia tăng trong bối cảnh liên tiếp xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và tỉ lệ tiêm phòng thấp.

Theo dữ liệu của FAO, số người thiếu ăn ở Mỹ Latinh và Caribe trong giai đoạn 2019-2020 đã tăng 13,8 triệu người, lên 59,7 triệu người, cao hơn 30% so với cùng kỳ trước đó.

Bối cảnh khó lường của đại dịch COVID-19, các vấn đề liên quan đến tỷ lệ tiêm chủng ngừa COVID-19 và hiệu quả của biện pháp phòng dịch này là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến thu nhập và khả năng tiếp cận thực phẩm của người dân Mỹ Latinh, theo đó quyết định mức độ gia tăng của nạn đói.

[Mỹ Latinh là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ lạm phát]

Cùng với thiếu đói, vấn đề suy dinh dưỡng ở Mỹ Latinh cũng ở mức đáng báo động. Theo FAO, Haiti có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất trong khu vực với 46%.

Trong khi đó, Venezuela ghi nhận tỷ lệ suy dinh dưỡng ở mức cao nhất tại Nam Mỹ với 27,4%, tăng mạnh so với mức 22,2% ghi nhận trong giai đoạn 2016-2018.

Tỷ lệ người đói nghèo ở Argentina là 3,9%, mức tăng liên tục trong 6 năm qua, trong khi ở Bolivia, con số tương ứng là 12,6%, một tỷ lệ khá cao đối với một quốc gia nông nghiệp.

Khu vực Mỹ Latinh và Caribe tập trung khoảng 10% dân số thế giới nhưng lại chiếm tới gần 20% số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Đây cũng là một trong những khu vực bất bình đẳng nhất trên hành tinh, với khoảng 80% dân số sống ở các trung tâm đô thị, tạo điều kiện cho virus SARS-CoV-2 lây lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục