Festival Lúa gạo tôn vinh người trồng lúa Việt

Thủ tướng khẳng định Festival lúa gạo là dịp để tôn vinh giá trị của văn minh lúa nước, của cây lúa và người trồng lúa Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Festival lúa gạo là dịp để tiếp tục tôn vinh những giá trị của nền văn minh lúa nước, của cây lúa và người trồng lúa Việt Nam, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh lúa gạo, đẩy mạnh xuất khẩu gạo gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam.

Tối 28/11, phát biểu tại Lễ khai mạc Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, thủ tướng nhấn mạnh, tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất là việc làm rất có ý nghĩa, tạo điều kiện để các nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, nhà nhập khẩu, phân phối, người tiêu dùng, nhà khoa học gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm những cơ hội hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng nêu rõ, trong những năm qua, nhất là kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nổi bật là sản xuất lương thực.

Sản xuất lúa gạo phát triển đã đưa Việt Nam từ một nước nhiều năm triền miên thiếu lương thực trở thành một nước không những có đủ lương thực cho nhân dân, với mức tăng dân số mỗi năm khoảng 1 triệu người, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mà trong 21 năm qua còn xuất khẩu với số lượng trên 70 triệu tấn gạo, mang về cho đất nước gần 20 tỷ USD, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới.

Thu nhập của người trồng lúa ngày càng được nâng lên nhờ các chính sách hỗ trợ giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng và tiêu thụ sản phẩm. Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí rất quan trọng đối với sản xuất kinh doanh lúa gạo của Việt Nam, nơi sản xuất ra trên 50% sản lượng lúa, cung cấp khoảng 90% số lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Nhấn mạnh tiềm năng phát triển sản xuất kinh doanh lúa gạo của Việt Nam còn rất lớn, Thủ tướng cho rằng, sản xuất và kinh doanh lúa gạo của Việt Nam vẫn còn không ít bất cập, yếu kém, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, đời sống người trồng lúa còn nhiều khó khăn.

Sản xuất kinh doanh lúa gạo của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là thiên tai, dịch bệnh, thị trường xuất khẩu, biến đối khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng mà Việt Nam được dự báo là một trong số ít các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đảng, Nhà nước, bà con nông dân, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị cùng nhau nỗ lực khắc phục bằng được tình trạng “được mùa mất giá”, phát huy tốt nhất tiềm năng lợi thế để phát triển mạnh, bền vững, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh lúa gạo, cải thiện tốt hơn đời sống của người trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xây dựng nông thôn ngày càng văn minh hiện đại.

Đồng thời cần chủ động xây dựng và tích cực triển khai kế hoạch hành động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.

Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức bên dòng Kênh xáng Xà No - con đường lúa gạo của miền Hậu Giang, con kênh đã gắn liền với lịch sử xuất khẩu gạo Việt Nam, con đường mà cách đây hàng trăm năm đã chuyên chở những chuyến gạo đầu tiên của Việt Nam đi xuất khẩu.

Nhiều hoạt động thiết thực đã được tổ chức như Hội thảo “Lúa gạo Việt Nam xuất khẩu và hội nhập,” “Cây lúa Việt Nam,” “Kinh xáng Xà No - Con đường lúa gạo miền Hậu Giang,” hội thi “Khuyến nông giỏi quốc gia,” lễ hội ẩm thực, triển lãm lúa gạo Việt Nam, xúc tiến đầu tư…

Festival có 30 tỉnh, thành phố và 300 cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước tham gia với hơn 730 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm chủ yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp và lúa gạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục