Một báo cáo được Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) và Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Thế giới (FIFPRO) đưa ra ngày 11/12 cho thấy cứ 5 cầu thủ nữ tại Vòng Chung kết Bóng đá Nữ Thế giới 2023 (World Cup Nữ) thì có một người bị lạm dụng trực tuyến.
Báo cáo này tổng hợp từ việc phân tích 5,1 triệu bài đăng và bình luận liên quan đến 697 cầu thủ và huấn luyện viên tham gia giải đấu được tổ chức ở Australia và New Zealand.
FIFA cho biết 152 cầu thủ đã nhận được "tin nhắn phân biệt đối xử, lạm dụng hoặc đe dọa."
Đội tuyển Bóng đá Nữ Mỹ là đội bị nhắm tới nhiều nhất tại giải đấu do nhiều người chỉ trích việc các cầu thủ không hát Quốc ca là hành động “không yêu nước."
Về cá nhân, hai cầu thủ được cho là Megan Rapinoe của Đội tuyển Mỹ và Yamila Rodríguez của Đội tuyển Argentina, là mục tiêu bị lạm dụng trực tuyến nhiều nhất.
Báo cáo cho thấy hơn 20% vụ lạm dụng là kỳ thị người đồng tính và hơn 15% có bản chất quấy rối về giới tính. Các cầu thủ nữ có nguy cơ bị lạm dụng cao hơn 28,5% so với các cầu thủ nam tại World Cup 2022 ở Qatar.
Báo cáo cho biết: “Sự thù hận và lạm dụng tồn tại trên mạng là một cuộc khủng hoảng xã hội ảnh hưởng đến mọi cá nhân trên toàn thế giới và không thể dễ dàng bỏ qua. Trong bóng đá chuyên nghiệp, môi trường trực tuyến độc hại này là một nơi khó khăn và rủi ro đối với các cầu thủ.”
Theo báo cáo, những rủi ro và thách thức về sức khỏe tâm thần liên quan đến việc trở thành nạn nhân của lạm dụng trực tuyến là có thật và có ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức đến các cầu thủ. Sự thù hận và phân biệt đối xử trong môi trường trực tuyến có thể gây tổn hại ở cả cấp độ cá nhân và nghề nghiệp, tác động tiêu cực đến khả năng thi đấu và thể hiện tốt nhất của cầu thủ.
Báo cáo được thực hiện bởi cơ quan Dịch vụ Bảo vệ Truyền thông Xã hội (SMPS) - được FIFA và FIFPRO thành lập vào năm 2022 trong nỗ lực chung nhằm ngăn chặn các hành vi lạm dụng trên mạng.
Các nữ cầu thủ tại World Cup chọn tham gia hợp tác sẽ được SMPS giám sát tài khoản mạng xã hội của họ trên X/Twitter, Instagram, Facebook, TikTok và YouTube, đồng thời dịch vụ sẽ ẩn các bình luận mang tính lăng mạ trên Facebook, Instagram và YouTube.
Theo báo cáo, SMPS đã theo dõi hơn 2.000 tài khoản, gắn cờ và ẩn 116.000 bài đăng lạm dụng trong tổng số 1,3 bình luận (X/Twitter và TikTok không cho phép tính năng này).
World Cup Nữ 2023 - Kỳ giải ngoạn mục nhất từ trước đến nay
Được trích dẫn trong báo cáo, cầu thủ Colombia Leicy Santos chia sẻ việc lạm dụng có hại cho sức khỏe tâm thần.
Santos nói: “Nếu có một điều mà các cầu thủ bóng đá phải chịu đựng nhiều nhất, ngoài việc thua cuộc, thì đó là tất cả những bình luận chế nhạo, lăng mạ. Ngoài tư cách là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, chúng tôi còn là con người. Một số cầu thủ có thể chịu đựng được sự lạm dụng quá mức mà chúng tôi nhận được trên mạng, nhưng những cầu thủ khác thì không. Đây là một vấn đề rất nhạy cảm khi nói đến sức khỏe tâm thần."
Trong khi đó, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cam kết không ngừng nỗ lực trong cuộc chiến giải quyết tình trạng lạm dụng cầu thủ.
Infantino cho biết trong một tuyên bố: “Không thể có chỗ trên mạng xã hội cho những kẻ lạm dụng hoặc đe dọa bất kỳ ai, dù đó là trong các giải đấu FIFA hay nơi khác.”
Infantino cho biết kể từ khi hệ thống SMPS được giới thiệu lần đầu tiên vào năm ngoái, các cầu thủ, đội và quan chức đã được bảo vệ khỏi hơn 400.000 bình luận lăng mạ.
Trước đó, cầu thủ Rodríguez bị chỉ trích vì có một hình xăm Cristiano Ronaldo trên chân, khiến một số người hâm mộ Argentina cho rằng cô thích ngôi sao người Bồ Đào Nha hơn đồng hương Lionel Messi.
Vào tháng 7, Rodríguez đã trả lời những người chỉ trích cô trên Instagram. “Tôi không gặp khoảng thời gian tồi tệ vì các bạn (người hâm mộ) mà vì những lời nói không thương tiếc. Bạn không thể có một thần tượng hay một cầu thủ mà bạn thích sao? Messi là đội trưởng tuyệt vời của chúng tôi ở đội tuyển quốc gia nhưng việc tôi nói nguồn cảm hứng và thần tượng của tôi là CR7 không có nghĩa là tôi ghét Messi. Vấn đề là gì? Tất cả chúng ta không có nghĩa vụ chỉ yêu các cầu thủ của đất nước mình ”./.