Màu nào cho làng nhạc?

Gam màu nào cho làng nhạc Việt cuối năm nay?

Làng nhạc buồn tẻ bởi dăm chương trình truyền hình-không-thể-không sản xuất. Liệu bức tranh ấy có còn nhuốm màu ảm đạm cuối năm?
Sắc màu ảm đạm của tình hình kinh tế bao phủ lên làng giải trí đã được báo trước. Làng âm nhạc thực sự buồn tẻ bởi dăm chương trình truyền hình-không-thể-không sản xuất. Sẽ còn gì cho bức tranh của làng nhạc nửa cuối năm nay?

Các nhà sản xuất đang làm gì?

Thử điểm mặt vài “hạt nhân” tiêu điểm. Quốc Trung đang cắm đầu soạn nhạc phim cho “Chơi vơi”. Anh Quân vừa lo xây nhà riêng ở ngoại thành và dựng mới lại phòng thu Anh Em tại đây. Võ Thiện Thanh đang tạm gác lại những dự định album nghệ sĩ và đầu tư vào series nhạc hòa tấu mang thương hiệu riêng.

Huy Tuấn tạm chia tay êkíp ở Hà Nội để Nam tiến thực hiện gameshow “Nốt nhạc ngôi sao” của công ty BHD, đồng thời chuẩn bị tham gia phần âm nhạc cùng Võ Thiện Thanh cho phim ca nhạc “Những nụ hôn rực rỡ” của Nguyễn Quang Dũng do công ty này sản xuất.

Đức Trí cả năm đôn đáo chuẩn bị liveshow Hồ Ngọc Hà trên cương vị nhà sản xuất vẫn chưa xong, gần như gác nhiều phần công việc chuyên môn cho êkíp phía sau.

Quốc Bảo cũng vẫn lo nhạc phim cho series phim sitcom “Chuyện nhà tôi”, đồng thời đang gấp rút thực hiện album riêng “Q+B”. Đỗ Bảo cũng giống Anh Quân, lo xây nhà và sửa sang lại phòng thu sau khi đã dốc hết sức mình cho album riêng “Thời gian để yêu”.

Thanh Phương sau album Trần Tiến và album rock cho nhóm Ngũ Cung theo đơn đặt hàng của Honda, đang bù đầu với hai đề nghị sản xuất của Hà Anh Tuấn và Quang Dũng. Lê Minh Sơn im ắng hơn hẳn và bớt xuất hiện hơn nhưng nghe nói sau album “Nơi bình yên” làm cho Thanh Lam, lại đang bắt tay thực hiện dự án riêng “Ngũ khúc sông Hồng” (gồm album và liveshow dự kiến vào tháng 10).

Hoài Sa tuy rất ấn tượng với những sản phẩm cho Hồng Nhung, Quang Dũng nhưng luôn bị “đánh dấu đen” vì tính nghệ sĩ - chậm chạp và trễ tiến độ...

Vắng mặt cũng không có nghĩa là họ chơi. Tất nhiên, khi đã đạt được những thành công ấn tượng thì chắc chắn họ sẽ có nhiều cơ hội và sự kén chọn nhiều hơn. Tuy nhiên, sự suy thoái kinh tế vẫn ảnh hưởng trực tiếp đến họ.

Thường thì giá làm album của mỗi người vẫn không thay đổi, song chính tình hình thị trường đã khiến cho phong trào làm CD của ca sĩ không còn rầm rộ. Album bán không chạy như năm trước, số lượng cũng phải ít đi cho nên ca sĩ cũng phải “chọn mặt gửi vàng” một cách cẩn thận.

Ca sĩ chạy show đã khó, nhạc sĩ nhạc công chạy show còn ít hơn nhiều... Nhiều nhạc sĩ có tiếng bắt đầu lựa chọn một cách kiếm tiền “ngầm” hơn là làm quảng cáo: viết nhạc, hòa âm, thực hiện các chương trình gameshow hoặc tham gia làm phim. Những công việc này đã khiến cho họ im tiếng trên công luận đi nhiều và... có phần xao nhãng công việc bề nổi là làm sản phẩm âm nhạc cho thị trường.

Một vài cá nhân chia sẻ, làm nhạc quảng cáo hoặc làm nhạc phim cho tư nhân bây giờ kiếm khá hơn. Nhà sản xuất chương trình hoặc công ty tổ chức sự kiện nhìn tên trả tiền. Vậy đã mất thời gian làm chuyên môn để có tên rồi thì đây là thời điểm để kiếm tiền, và nhất là trong thời buổi suy thoái kinh tế này, có việc để làm là may rồi.

Và tất cả các nhà sản xuất có tên trên đều công nhận một điều, nếu cả năm trông chờ vào ca sĩ đến “gửi vàng cám” để làm album thì có mà... ăn cám luôn. Tất nhiên, việc làm album thì vẫn phải có.

Sự im ắng của những tên tuổi cũng là cơ hội của những tên tuổi mới lộ sáng. Dạng như Hồ Hoài Anh bứt phá rất tốt trong nhóm các nhà sản xuất âm nhạc mới năm 2008 vậy.

Năm nay, có 3 cái tên ở nhóm dưới đang từng bước khẳng định mình: Việt Anh, Hồng Kiên và Nhật Trung. Họ không phải là những nhạc sĩ kém tài mà chưa có nhiều cơ hội khẳng định mình.

Việt Anh trở về từ New Zealand, sau sản phẩm thực hiện cho Đức Tuấn, đang bắt tay với tài năng trẻ Lê Cát Trọng Lý, hứa hẹn có nhiều bứt phá. Hồng Kiên khá ấn tượng khi tiếp quản Hiền Thục từ tay Thanh Phương để thực hiện album nhạc Trịnh cũng đã có nhiều dự án album cho các ca sĩ khác. Nhật Trung xác định sẽ làm việc song song cả hai nơi Mỹ và Việt Nam, đã xây dựng xong phòng thu riêng tại Việt Nam và quyết tâm “sáng” trở lại...

Đấy là chưa kể đến Vũ Văn Hà (thành viên ban nhạc Anh Em) cũng rất ấn tượng với sản phẩm cho Phương Linh hiện khá đắt show. Nguyễn Đức Cường cũng định hình phát triển mình theo hướng nhà sản xuất với sản phẩm được đặt hàng từ Đoan Trang và những dự án nhỏ từ công ty MFaces.

Riêng công ty MFaces đã nhanh chân ký hợp đồng độc quyền với nhạc sĩ người Pháp sống tại Việt Nam là Laurent Jaccoux để bổ sung vào lực lượng sản xuất của họ: Dương Khắc Linh, Hoàng Anh, nhằm đồng hành cùng lượng ca sĩ ngày càng nhiều của công ty.

Trong thời gian tới, sản phẩm album 2 của rocker Phạm Anh Khoa do Dương Khắc Linh thực hiện sẽ ra mắt. Đồng thời dưới tay của Laurent và Hoàng Anh, các sản phẩm của Phương Vy và Anh Khang đã và đang có mặt trên thị trường để khẳng định thương hiệu.

Một cái tên ở phía Nam là Thanh Tâm cũng hứa hẹn sẽ rất sáng trong nửa năm cuối sau khi sản phẩm “Bước kế tiếp” mang màu alternative sở trường của anh ra mắt với sự kết hợp mới với ca sĩ Hồ Bích Ngọc.

Sự kết hợp mới này thay thế những ấn tượng rất tốt của Thanh Tâm với ca sĩ “Thềm nhà có hoa” - Hải Yến...

Còn ca sỹ?

Đây là những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ tình trạng suy thoái kinh tế. Ai cũng kêu than là ít show diễn, ít khán giả, cátsê giảm đi nhiều... Điều này cũng đúng so với bức tranh kinh tế thế giới và Việt Nam.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế đây là giai đoạn thanh lọc thị trường khá tốt. Vẫn có các chương trình quan trọng, nhưng chủ đầu tư sẽ cẩn trọng hơn với tinh thần làm ít show nhưng show phải hay và chất lượng.

Từ yêu cầu đó, họ chọn ca sĩ tham gia rất khắt khe, đáng mặt tên tuổi và chất lượng. Tìm hiểu sâu sẽ thấy, những ca sĩ được đánh giá là ngôi sao thực, có đẳng cấp vẫn chạy show đều và thậm chí còn... có cátsê cao hơn hẳn.

Nếu tên tuổi nào được bảo hành chất lượng dạng như Mỹ Linh, Thanh Lam, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Hà Anh Tuấn, Đức Tuấn, Tùng Dương... vẫn có show diễn, mà điều đặc biệt là các show diễn tinh về chuyên môn. Bởi ví dụ, muốn sang trọng đẳng cấp thì phải có diva; muốn tinh tế nhạc jazz thì Thanh Lam, Tùng Dương, muốn thời trang đẹp đẽ có Hồ Ngọc Hà, Hà Anh Tuấn; muốn cổ điển nhẹ nhàng có Đức Tuấn...

Khốn khổ nhất vẫn là những ca sĩ ở dạng lửng lơ, không hẳn là thị trường mà cũng chả rõ là nghệ thuật. Thà rằng cứ theo con đường nghệ thuật sẽ có đối tượng khán giả cấp cao, chịu chơi thi thoảng đến thưởng lãm. Nếu không cứ hát thương mại chiều chuộng thị trường số đông rồi theo những “gánh hát rong” kiểu sân khấu 126 hoặc Sao Đêm thì cũng yên tâm túi riêng.

Như đã nói ở trên, ca sĩ bây giờ cũng lựa chọn, tính toán công việc cẩn thận và chi tiết hơn trong việc sản xuất, bởi sản lượng album bán ra không còn được nhiều. Thị trường âm nhạc thực tế đang bị phân khúc rõ ràng vì lý do người mua phải cân nhắc đồng tiền bỏ ra.

Từ đó, có những phép thử khá mạo hiểm kiểu Hồng Nhung-Quang Dũng bán album với giá cao ngất trời. Cộng với xu hướng mất giá ngoại tệ khiến giá cả sản xuất album (từ phòng thu cho đến nhà in) đều tăng, khiến CD nhạc tăng giá theo. Bây giờ hiếm có CD riêng của ca sĩ nào bán dưới 50 ngàn đồng. Tâm lý làm đĩa của ca sĩ đều giống nhau, thôi thì tiết kiệm bằng cách làm ít, nhưng vẫn phải đầu tư thật tốt, để vừa bán vừa khẳng định tên tuổi...

Nhìn vào tiệm CD trong nửa năm đầu sẽ thấy, album mới xuất hiện khá ít, một tháng may ra chừng 5 chương trình mới. Hay ví như tháng 6 này, đếm trên đầu ngón tay có album mới của Hoàng Bách, Mắt Ngọc, Trịnh Thăng Bình và nhóm rock Unlimited...

Nhiều ca sĩ đã hoàn thành album riêng nhưng còn tính đến thời điểm phát hành, ca sĩ mới né thời điểm phát hành của ca sĩ ngôi sao, ca sĩ ngôi sao thì chờ đợi những sự kiện đánh bóng đi kèm để bùng nổ... Tính toán và tính toán, khôn ngoan hơn... tất cả cũng đều nhìn chăm chăm vào cái túi tiền hẹp miệng đang vơi đi của người nghe nhạc. 

Một số ca sĩ ngôi sao ăn khách khác đang tranh thủ thời điểm vãn show nhà ta qua show bạn. Chạy show nước ngoài không còn nhiều như trước, nhưng ca sĩ chọn cách "đánh quả" dài hạn. Ai cũng chọn những hợp đồng dài, qua nhiều nước, nhiều bang... với thời gian cả tháng cho đến vài tháng. Họ chẳng sung sướng gì với cảnh ở nhờ hoặc ở thuê dài hạn nơi xứ người, chơi cả tuần để cuối tuần chạy show.

Cũng có nhiều chuyện tiêu cực xảy ra từ việc “đánh bắt xa bờ” này, bè cánh hoặc ca sĩ hải ngoại thù ghét ca sĩ trong nước đang cướp miếng ăn của họ...

Đôi khi, có những sự lựa chọn bắt buộc, từ bỏ hẳn thị trường trong nước mà thành người hải ngoại như Nguyệt Anh, Lưu Việt Hùng năm trước. Năm nay sẽ là Ngọc Anh (3A) và Tóc Tiên, hai gương mặt trong nước vừa trở thành ca sĩ của Thúy Nga...

Chẳng trách họ ra đi vì “miếng cơm manh áo,” chỉ tiếc trong nước không còn nhiều cơ hội cho họ làm nghề thời điểm này.

Thay lời kết

Có nhiều bài báo lên tiếng về chuyện dời liên tục thời điểm tổ chức show diễn của Hồ Ngọc Hà. Nhưng tất cả đều chỉ nhìn một chiều và đặt áp lực lên nghệ sĩ một cách thiếu chia sẻ. Ca sĩ đã nói thẳng về mong muốn được... hầu dư luận một show diễn tiền tấn, nhưng cũng phải để cho người ta đi kiếm tiền, xin tiền rồi... gom tiền, mới đến lúc ném tiền qua cửa sổ.

Nghệ sĩ xét cho cùng cũng giống như ai, đang cơn lao đao kinh tế này, khôn ngoan hay dại dột do “người tính” mà ra cả.

Hồ Ngọc Hà cũng chỉ là một người, trong số hàng loạt những ngôi sao ôm dự án cả vài năm trời nay nhưng vẫn đang chờ tài trợ hoặc thời điểm. Sự cân nhắc về “hiệu quả” (cả danh tiếng và kinh tế) là hoàn toàn đáng được thông cảm và tôn trọng...

Xét cho cùng, đây mới là lúc sắp lộ mặt người tài!
(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục