Gần 185 tỷ đồng bảo tồn loài Sếu Đầu đỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim

Đề án đặt ra mục tiêu từ năm 2022-2032 sẽ nuôi thả 100 con Sếu Đầu đỏ, tối thiểu 50 con sống sót, có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và sinh sống quanh năm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Gần 185 tỷ đồng bảo tồn loài Sếu Đầu đỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim ảnh 1Sếu Đầu đỏ từng xuất hiện tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. (Ảnh: TTXVN phát)

Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) là khu Ramsar rộng 7.500ha, có nhiều bãi cỏ năn - loại thức ăn ưa thích của Sếu Đầu đỏ phương Đông, quần thể nhỏ nhất trong số ba loài Sếu Đầu đỏ trên thế giới đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Sếu Đầu đỏ gồm có 3 loài gồm Sếu Ấn Độ, Sếu phương Đông và Sếu Australia. Riêng loài Sếu phương Đông chỉ xuất hiện ở Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam.

Loài chim chân dài này hiện được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào danh sách sắp nguy cấp trong Sách Đỏ về các loài bị đe dọa tuyệt chủng bởi sự sụt giảm số lượng cá thể nhanh chóng của chúng trên toàn thế giới.

Trong 10 năm qua, quần thể Sếu Đầu đỏ hoang dã ở Campuchia và Việt Nam đã suy giảm một cách nhanh chóng, từ 850 cá thể được ghi nhận vào năm 2010 giảm xuống chỉ còn dưới 160 cá thể được ghi nhận trong cuộc điều tra quần thể gần đây nhất vào năm 2022.

Nếu xu hướng suy giảm này tiếp tục diễn ra, quần thể Sếu Đầu đỏ phương Đông ở Campuchia và Việt Nam có thể sẽ sớm bị tuyệt chủng.

Trước đây, Tràm Chim thường đón Sếu Đầu đỏ bay về kiếm ăn, trú ngụ từ tháng Mười Hai đến tháng Tư năm sau. Quãng thời gian này là mùa khô, nắng nóng có lúc tới gần 40 độ C. Cánh đồng khô khốc, rất ít sinh vật tồn tại được. Duy chỉ có cỏ năn kim sinh trưởng và phát triển, trở thành nguồn thức ăn quý giá cho toàn bộ hệ sinh thái của khu Ramsar và đặc biệt là Sếu Đầu đỏ.

Tuy nhiên, số lượng Sếu Đầu đỏ về Tràm Chim ngày càng giảm. Năm 2021, chỉ có 3 con Sếu Đầu đỏ về Tràm Chim và từ năm 2022 đến nay thì không thấy xuất hiện cá thể sếu nào tại đây.

Gần 185 tỷ đồng bảo tồn loài Sếu Đầu đỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim ảnh 2Cơ sở vật chất được xây dựng để phục vụ Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu Đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Nhằm bảo tồn loài Sếu Đầu đỏ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu Đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032 với tổng kinh phí thực hiện dự kiến gần 185 tỷ đồng.

Trong số đó, gần 56 tỷ đồng sẽ dùng để tiếp nhận, nuôi dưỡng, nghiên cứu sinh sản và tái thả đàn sếu; gần 25 tỷ đồng để tiến hành cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống; 36 tỷ đồng dành cho xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững; 17 tỷ đồng thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền; gần 52 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị cơ sở hạ tầng.

Dự kiến ngày 14/12 tới, tỉnh sẽ tổ chức hội thảo và công bố Đề án Bảo tồn và Phát triển Sếu Đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022-2032.

[Thái Lan và Việt Nam hợp tác bảo vệ loài sếu đầu đỏ quý hiếm]

Theo nội dung Đề án, trong vòng 10 năm (2022-2032) nuôi thả 100 cá thể sếu, tối thiểu 50 cá thể sống sót. Đàn sếu thả ra có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Giai đoạn 2022-2028, tiếp nhận 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi từ Thái Lan về nuôi, chăm sóc và thả về môi trường thiên nhiên.

Hoàn thiện cơ sở vật chất chuồng trại phục vụ việc nuôi; phục hồi hệ sinh thái Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng cách điều tiết nước, cải tạo môi trường sinh cảnh.

Lộ trình đến năm 2028, dự kiến có khoảng 200ha lúa sẽ chuyển sang mô hình sản xuất sinh thái, định hướng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại vùng lân cận thuộc huyện Tam Nông; trong 5 năm đầu có thể cho Sếu Đầu đỏ sinh sản và sống tốt.

Gần 185 tỷ đồng bảo tồn loài Sếu Đầu đỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim ảnh 3Cánh đồng cỏ năn - thức ăn yêu thích của Sếu Đầu đỏ ở Vườn Quốc gia Tràm Chim. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Giai đoạn 2029-2032, tiếp nhận thêm 30 cá thể sếu 6 tháng tuổi từ Thái Lan; nuôi sinh sản được khoảng 40 cá thể sếu từ đàn bố mẹ ban đầu;

Cùng với đó, xây dựng biểu đồ phân bố sếu sinh sống bên trong và ngoài Vườn Quốc gia Tràm Chim; cán bộ kỹ thuật của Vườn Quốc gia Tràm Chim có thể tự chăm sóc sếu thành công và cho sinh sản, thả về thiên nhiên; chuyển đổi dần vùng trồng lúa sinh thái thành sản xuất lúa hữu cơ (đạt tiêu chuẩn nội địa hoặc quốc tế); 10 hộ du lịch sinh thái-ruộng vườn kết hợp với ngắm Sếu Đầu đỏ…

Trước đó, ngày 8/4, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã ký kết hợp tác với Hội Sếu Quốc tế, Hiệp hội Vườn thú Việt Nam nhằm phục hồi Sếu Đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Theo văn bản ký kết, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp giám sát về mặt chính quyền, cung cấp tài chính và quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim trong việc thực hiện phục hồi Sếu Đầu đỏ. Hội Sếu Quốc tế và Hiệp hội Vườn thú Việt Nam sẽ tư vấn kỹ thuật, đào tạo cán bộ chăm sóc và thả sếu. 

Hằng năm, Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan sẽ cung cấp Sếu Đầu đỏ để nuôi tiếp và thả về tự nhiên. Trong đó, bao gồm việc chuyển giao Sếu Đầu đỏ con đang nuôi nhốt từ Thái Lan sang Việt Nam, đào tạo cán bộ, phát triển cơ sở nuôi nhốt, thả và giám sát, quản lý môi trường sống của sếu trong vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia Tràm Chim.

Tổ chức Công viên Động vật học Thái Lan đã nuôi nhốt, thả thành công hơn 150 con sếu về tự nhiên có thể tự sinh sản trong suốt 4 năm qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục