Gần 70% người Nhật phản đối nới lỏng xuất khẩu vũ khí

Tổng cộng 66,8% số người được hỏi trong một cuộc điều tra dư luận phản đối việc nới lỏng xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản.
Gần 70% người Nhật phản đối nới lỏng xuất khẩu vũ khí ảnh 1Các tàu chiến của Hải quân Nhật Bản. (Nguồn: marsecreview.com)

Tổng cộng 66,8% số người được hỏi trong cuộc điều tra dư luận do hãng tin Kyodo tiến hành cho biết họ phản đối việc nới lỏng xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản trong khi 25,7% bày tỏ ủng hộ.

Điều này chứng tỏ nhiều cử tri tỏ ra thận trọng về động thái của chính phủ nhằm thay đổi các quy định hạn chế xuất khẩu vũ khí mà Nhật Bản tự áp đặt.

Cuộc điều tra trên được tiến hành qua điện thoại vào cuối tuần qua đối với 1.418 hộ gia đình có cử tri đủ tư cách và có 1.011 hộ nhận trả lời.

Kết quả điều tra cho thấy những người phản đối nới lỏng các quy định kiểm soát vũ khí vượt quá số người ủng hộ ở tất cả các nhóm tuổi. Trong nhóm nữ giới, 74,7% cho biết họ phản đối động thái này.

Năm 1967, Nhật Bản đã đề ra “ba nguyên tắc” về xuất khẩu vũ khí nhằm ngăn chặn việc chuyển giao vũ khí cho các quốc gia chịu cấm vận của Liên hợp quốc và các nước có liên quan đến xung đột quốc tế.

Những nguyên tắc này trở thành lệnh cấm bất thành văn hồi năm 1976 với một số những ngoại lệ mà các chính quyền trước đây từng thực hiện.

Năm 2011, Nhật Bản đã nới lỏng các quy định cho phép xuất khẩu vì mục đích nhân đạo và hòa bình cũng như Tokyo sẽ dễ dàng trong việc tham gia các dự án chung về phát triển và sản xuất vũ khí.

Cuộc điều tra này cũng cho thấy 65,6% tin rằng Nhật Bản sẽ khó tránh khỏi việc phải nhất trí cắt giảm thuế trong các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong khi 26,2% cho biết Nhật Bản không nên nhất trí việc này.

Nhật Bản đang tìm cách giữ lại thuế suất áp đặt vào 5 mặt hàng nông sản then chốt bao gồm gạo, thịt bò-lợn, lúa mỳ, sữa và đường - trong đàm phán TPP nhằm tháo gỡ tất cả các mức thuế suất về mặt nguyên tắc.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đối với Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe ở mức 53,9%, giảm 2% so với cuộc điều tra trước đó hồi cuối tháng 1/2014. Tỷ lệ không ủng hộ là 29,7%, giảm so với 31% trước đó.

Điều tra của Kyodo cũng cho thấy khoảng cách đã bị thu hẹp giữa những người phản đối và ủng hộ việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản trong bối cảnh vấn đề nối lại hoạt động các nhà máy vẫn còn khá nhạy cảm sau cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy điện Fukushima số 1 hồi năm 2011.

Số người phản đối nối lại các lò phản ứng là 54,9%, giảm so với mức 60,2% hồi tháng 1/2014 trong khi số người ủng hộ tăng từ mức 31,6% lên 39%.

Về việc cho phép Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể hoặc hỗ trợ một đồng minh bị tấn công, 51% phản đối trong khi 38,9% bày tỏ ủng hộ.

Trên mặt trận ngoại giao, 49,2% cho biết Nhật Bản cần tăng cường nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc giữa lúc đang có những căng thẳng về lãnh thổ và nhận thức lịch sử. 46% cho biết họ thấy không cần thiết phải vội vã cải thiện quan hệ căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Về vấn đề tăng thuế hồi tháng 4/2014 từ mức 5% lên 8%, 67,2% cho biết họ đang cân nhắc việc hạn chế chi tiêu trong khi 31,5% cho rằng họ sẽ không siết chặt hầu bao.

Liên quan đến các chính đảng, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe nhận được 42,9% số người ủng hộ trong khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) - đảng đối lập lớn nhất hiện nay - chỉ nhận được 5,3%. Đảng Công minh Mới (NKP) - đối tác trong liên minh cầm quyền của LDP - nhận được 4,7% số người ủng hộ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục