Ghi nhanh không khí ngày hội bầu cử trên cả nước

Ngay từ đầu giờ sáng 22/5, trên khắp mọi miền đất nước, đông đảo cử tri đã có mặt tại các địa điểm bỏ phiếu với ý thức trách nhiệm cao.
Ngay từ đầu giờ sáng 22/5, trên khắp mọi miền đất nước trong không khí náo nức của ngày hội toàn dân, đông đảo cử tri đã có mặt tại các địa điểm bỏ phiếu vào giờ khai mạc, với ý thức trách nhiệm cao về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc lựa chọn những đại biểu tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại Thủ đô Hà Nội, cử tri nô nức đến các điểm bỏ phiếu. Tại Khu vực bầu cử số 4 (phường Trần Hưng Đạo), bác Lê Châu Phương, sinh năm 1925, vừa nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa II, khóa III, khóa IV, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh-xã hội cho biết: “Nhớ lại lần đầu tiên được đi bầu đại biểu Quốc hội khóa I, lúc đó tôi là Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Hà Nam. Phấn chấn lắm. Giờ đây thấy Quốc hội của mình ngày càng vững mạnh, nhất là về công tác giám sát, liên hệ với cử tri, chúng tôi thấy vô cùng phấn khởi và tự hào. Đặc biệt sự ra đời của tờ báo Người Đại biểu Nhân dân đã giúp cho người dân hiểu hơn về Quốc hội và khi cầm lá phiếu trên tay họ sẽ thấy đó là trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả của công dân.”

Là điểm cầu truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam, không khí ở đơn vị bầu cử số 2 (phường Tràng Tiền - quận Hoàn Kiếm) diễn ra nhộn nhịp. Rất đông cử tri đến sớm để dự lễ khai mạc.

Vừa bỏ phiếu xong, gương mặt rạng ngời, không giấu nổi niềm vui, đứng bên cạnh mẹ, em Nguyễn Ngọc Anh, sinh tháng 5/1993, học lớp 12 trường Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Lần đầu tiên được cầm lá phiếu trên tay, tự nhiên cháu hồi hộp quá. Tối hôm qua, hai mẹ con cháu vẫn còn đọc lại tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên để có thể lựa chọn một cách chính xác nhất những ứng cử viên tiêu biểu, có năng lực, có phẩm chất tốt tham gia các cơ quan quyền lực nhà nước.”

Tại 2 tổ bầu cử do các đơn vị thuộc trường Đại học Bách khoa phụ trách, các cán bộ, viên chức, sinh viên của trường cũng đã cố gắng góp sức mình vào ngày hội chung của toàn dân tộc. Ngay từ sáng sớm, các nhân viên và sinh viên tình nguyện Khu vực bầu cử số 7, số 8 phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội đã có mặt tại điểm bỏ phiếu để làm công tác chuẩn bị. Đây là 2 điểm bỏ phiếu dành riêng cho sinh viên tại Ký túc xá trường Đại học Bách Khoa. Hơn 4.000 cử tri trẻ ở đây sẽ bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp quận và thành phố Hà Nội.

Mặc dù chưa đến giờ khai mạc nhưng nhiều sinh viên đã có mặt tại nơi bỏ phiếu với gương mặt phấn chấn. Hầu hết họ đều là những cử tri trẻ lần đầu tiên đi bỏ phiếu bầu những người đại diện cho mình vào các cơ quan quyền lực Nhà nước. Tại điểm bầu cử số 7, cử tri Nguyễn Ngọc Đức, sinh năm 1991, sinh viên năm thứ 2 Khoa Điện không giấu được xúc động bày tỏ: “Lần đầu tiên được cầm tấm Thẻ cử tri trên tay, em cảm thấy mình đã trưởng thành hơn đồng thời thấy mình phải có trách nhiệm hơn với xã hội, với bản thân. Em sẽ lựa chọn những người có đức, có tài, đặc biệt là những người có kiến thức và trình độ học vấn để đủ năng lực đại diện cho dân, gánh vác trách nhiệm trước đất nước.”

Trong không khí trang nghiêm, phấn khởi, các sinh viên, những cử tri trẻ tuổi dường như không giấu nổi vẻ hồi hộp trước giờ phút lần đầu tiên thực hiện quyền và trách nhiệm công dân của mình.

Cùng với cử tri cả nước, hơn 4,8 triệu cử tri Thành phố Hồ Chí Minh đã bước vào ngày hội của non sông với niềm phấn khởi và tự hào của những công dân thành phố mang tên Bác, khi đây cũng là dịp chào mừng 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, từ chính mảnh đất thân yêu này, Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Đúng 7 giờ sáng, 2.673 khu vực bỏ phiếu trên toàn thành phố đồng loạt khai mạc ngày hội bầu cử.

Tại khu vực bầu cử số 38 - đơn vị bầu cử số 1 (phường 9, quận 3), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là người đầu tiên thực hiện quyền công dân. Tại khu vực bầu cử số 7 - đơn vị bầu cử số 1 (phường Tân Định, quận 1), Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang là người bỏ lá phiếu đầu tiên. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đã có mặt để bỏ phiếu bầu đầu tiên của khu vực bầu cử số 27 đơn vị bầu cử số 4 (phường 7, quận 10).

Tại khu vực bầu cử số 31 - đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội số 1 và đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố số 3 (phường 7, quận 3), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đã bỏ những lá phiếu đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận và lãnh đạo thành phố bày tỏ niềm phấn khởi khi được tham gia ngày hội bầu cử toàn dân, vinh dự được bỏ lá phiếu đầu tiên cùng với cử tri góp phần cho thành công của cuộc bầu cử. Các lãnh đạo tin tưởng cử tri thành phố sẽ lựa chọn, bầu ra những người xứng đáng nhất, có đủ tài, đức, tâm và tinh thần trách nhiệm tham gia Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân thành phố khóa VIII, để xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực tối cao đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Tại nhiều khu vực bầu cử khác, nhiều cử tri tranh thủ dành thời gian đến sớm để xem lại lần nữa danh sách ứng cử viên trước khi có sự quyết định “chọn mặt gửi vàng”, gửi gắm sự tín nhiệm và kỳ vọng của mình qua lá phiếu. Trong dòng người đổ về khu vực bỏ phiếu số 30 trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, thật xúc động khi nhận ra nhà nữ cách mạng lão thành Ngô Thị Huệ (bà Bảy Huệ, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), đảng viên 75 năm tuổi Đảng, đại biểu Quốc hội khóa I, dù đã ở tuổi 93, nhưng vẫn nhờ người nhà đưa ra tận nơi để trực tiếp bỏ phiếu.

Vẫn đầy ưu tư, trăn trở với việc nước, bà Bảy Huệ chia sẻ: “Tôi hy vọng ở khóa XIII này, làm sao các đồng chí phải cố gắng phản ánh được nguyện vọng của dân, về với dân, gần dân để nghe dân, từ đó đưa tiếng nói của nhân dân tới diễn đàn Quốc hội, đó là điều dân mong. Các ứng cử viên đã hứa, khi đắc cử phải thực hiện lời hứa, không vì cái ghế, cái chức của mình mà né tránh, không làm tròn trách nhiệm với dân. Hứa mà không làm thì quần chúng sẽ mất lòng tin vào người đại biểu.”

Lần đầu tiên đi bầu cử, anh Huỳnh Thanh Nhân, sinh năm 1990, cử tri ấp 1, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè (nhân viên Công ty dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp 007) cho biết, mong muốn của anh là đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân thành phố được bầu lần này sẽ quan tâm cải thiện đời sống người dân tốt hơn, cũng như mạnh tay trong việc dẹp bỏ, kéo giảm các tệ nạn xã hội để môi trường sống của người dân được an toàn và tốt đẹp hơn.

Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho cuộc bầu cử cũng được các cơ quan chức năng triển khai tốt. Tại các giao lộ, ngã tư lớn, các khu vực trọng điểm về giao thông đều có sự hiện diện của lực lượng cảnh sát giao thông; còn tại các khu vực nơi có điểm bỏ phiếu, công an và lực lượng dân quân địa phương đã túc trực từ sáng để bảo vệ trật tự cho điểm bỏ phiếu và kịp thời giải tỏa nếu có ùn tắc lưu thông xảy ra tại những khu vực này.

Tại cuộc bầu cử lần này, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 4,8 triệu cử tri (2,53 triệu cử tri nữ) tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII tại 10 đơn vị bầu cử với 51 ứng cử viên để bầu 30 đại biểu, đồng thời trong số này sẽ có 4,65 triệu cử tri (2,48 triệu cử tri nữ) tham gia bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố khóa VIII tại 32 đơn vị bầu cử với 160 ứng cử viên để bầu 95 đại biểu.

Do thành phố được tiếp tục thí điểm thực hiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân huyện, quận, phường nên tại kỳ bầu cử lần này, chỉ có khoảng 880.000 cử tri của 65 xã, thị trấn thuộc 5 huyện ngoại thành sẽ tham gia bầu cử ĐB Hội đồng Nhân dân cấp xã tại 503 khu vực bầu cử, để bầu ra 1.961 đại biểu từ 2.977 ứng cử viên. Tính đến 9 giờ, đã có 20% cử tri thành phố tham gia bỏ phiếu.

Thời tiết Đà Nẵng sáng 22/5 thật lý tưởng, đường phố rực rỡ bởi cờ đỏ sao vàng, băngrôn, phướn, pa-nô, từ sáng sớm hệ thống loa truyền thanh liên tục phát những bản nhạc cổ động bầu cử và những bản tin ngắn gọn về bầu cử, cùng lúc đó 33 xe tuyên truyền lưu động của các quận, huyện diễu hành trên các trục đường phố chính để tuyền truyền bầu cử... Các Tổ bầu cử đều được trang hoàng nghiêm trang, hình thức đẹp, thùng phiếu chính đặt tại trung tâm Khu vực bỏ phiếu và có thùng phiếu phụ.

Là địa phương duy nhất trên địa bàn thành phố tổ chức bầu đại biểu Hội đồng Nhân dân xã, vì vậy cả hệ thống chính trị huyện Hòa Vang đều xác định công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo thống kê, huyện Hòa Vang có 79.848 cử tri tham gia bỏ phiếu ở 89 tổ bầu cử. Ngay từ sáng sớm cử tri đã tập trung khá đông tại các tổ bầu cử đề thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân, sau đó tranh thủ ra đồng. Lần đầu tiên thực hiện quyền công dân của mình, anh Trần Hoàng Anh ở xã Hòa Khương cho biết: Tôi mong có được những đại biểu biết lo cho dân, ngay cả chuyện giải quyết việc cho mọi người khi đất nông nghiệp dần bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa.

Ông Nguyễn Văn Cần, già làng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) bộc bạch suy nghĩ: Nương rẫy nhà mình có còn trồng bắp hay chuyển sang cây trồng khác, con cháu mình có được hỗ trợ tiền đi học hay không, mình ốm đau muốn chữa bệnh hay muốn có cái nhà ở kiên cố từ tiền hỗ trợ của Nhà nước… Tất cả, cũng do mình lựa chọn ai trong lá phiếu bầu cử để họ nói thay tâm tư, nguyện vọng của mình.

Ở tổ bầu cử số 1, 2 và 3 thuộc phường Tam Thuận, quận Hải Châu, nơi tập trung đông giáo dân, không khí bầu cử rộn ràng, một số giáo dân đi lễ sớm và đến thẳng điểm bỏ phiếu để thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. Trưởng ban đại diện giáo xứ Tam Tòa Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: những ngày qua, giáo dân đã tập trung nghiên cứu rẫt kỹ về danh sách ứng cử viên và thể lệ bầu cử để chọn ngững người có tài có đức ra giúp dân giúp nước.

Tại ký túc xá Trường Đại học Sư phạm, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Kinh tế... (Đại học Đà Nẵng), các sinh viên rất háo hức khi lần đầu đi bỏ phiếu. Nguyễn Ngọc Dũng, sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết: Chúng tôi đã được cán bộ lớp, cán bộ Đoàn phổ biến những điều cần biết về bầu cử và trực tiếp tìm hiểu danh sách, tiểu sử các ứng cử viên. Chúng tôi quan tâm đến các ứng cử viên đề cập đến vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Lực lượng công nhân trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng được tạo điều kiện tốt để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Ông Phạm Việt Hùng, Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng cho biết: Ban đã phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 cho các chủ doanh nghiệp; đồng thời vận động các chủ doanh nghiệp bố trí thời gian thuận lợi cho cán bộ, công nhân viên đi bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

Tại Vùng C Hải quân, không khí ngày bầu thật rộn ràng. Từ 6 giờ 30 cử tri các đơn vị đã tập trung đông đủ tại 2 tổ bầu cử số 14 và 15 thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà để thực hiện nhiệm vụ của cử tri. Do đặc thù của đơn vị không thể rời vị trí trực nên Ban chỉ đạo bầu cử của Vùng đã có kế hoạch đưa hòm phiếu phụ lên để bộ đội tham gia bầu cử. Đúng 7giờ 30 theo chân tổ công tác, chúng tôi có mặt trên đỉnh cao 696 của bán đảo Sơn Trà, nơi đóng quân của cán bộ, chiến sĩ Trạm Rađa 545, Tiểu đoàn 351, Vùng C. Ai nấy đều phấn khởi khi được trực tiếp bầu cử ngay trên đỉnh núi.

Chiến sĩ Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, lần đầu tiên đi bầu cử, lại đang ca trực và được bầu cử trên đỉnh núi Em rất tự hào và hy vọng sẽ chọn những người đủ đức, đủ tài để vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân kỳ này. Theo Trung úy Trần Kỉnh Tuyến, Phó Trạm trưởng Trạm ra đa đang trực chỉ huy tại Trạm cho biết, cán bộ, chiến sĩ của Trạm đều đã tìm hiểu kỹ về tiểu sử các ứng cử viên tại Tiểu đoàn và nên trong ca trực vẫn đảm bảo việc chọn lựa những người đủ tài, đủ đức để bầu.

Với sự chuẩn bị rất kỹ càng và chu đáo, Đại tá Bùi Văn Tám, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng C Hải quân, Trưởng ban Bầu cử của Vùng cho biết: Vùng C có 2 Tổ bầu cử tập trung, ngoài ra các đơn vị đóng quân tại các nơi núi cao, đảo xa và các tàu trực chiến trên biển, Vùng đã liên hệ với chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng quân và các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn để bộ đội được tham gia bầu cử. Đến 10 giờ tại 2 tổ bầu cử tập trung của đơn vị, 100% cử tri đi bỏ phiếu. Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử thành phố Đà Nẵng đến 9 giờ, toàn thành phố có 54,9% cử tri đi bầu, quận Hải Châu đạt cao nhất 60,23%.

Gần 680.000 cử tri Ninh Bình nô nức đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Ở khắp các địa phương trong tỉnh, từ vùng núi cao huyện Nho Quan cho đến miền ven biển Kim Sơn, không khí ngày hội bầu cử đã thực sự rộn ràng.

Tại Giáo xứ Phát Diệm, huyện Kim Sơn, ghi nhận không khí ngày hội thật nhộn nhịp. Nơi đây có trên 45% đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo, toàn huyện có hơn 120.500 cử tri; trong đó đặc biệt có những xã như: Văn Hải, Cồn Thoi, tỷ lệ đồng bào có đạo chiếm tới trên 80%.

Mọi người đều rất quan tâm tới cuộc bầu cử, nên bình minh trên vùng đất biển này như được đánh thức sớm hơn thông lệ. 5 giờ sáng, khi tiếng chuông nhà thờ ngân vang, ở các ngả đường bà con giáo dân đã tấp nập kéo về nhà thờ để hành lễ cầu nguyện và sau đó tập trung về các khu vực bỏ phiếu bầu cử.

Chánh chương Đỗ Văn Bằng, xứ Trì Chính, Kim Sơn, sau khi bỏ phiếu bầu cử tại đơn vị bầu cử số 1, phố Kiến Thái, thị trấn Phát Diệm, phấn khởi nói: "Tôi rất vui mừng vì đã trực tiếp đi bỏ phiếu. Cùng với 1.300 giáo dân của Xứ, tôi gửi gắm nhiều kỳ vọng và đặt niềm tin vào các đại biểu mình đã lựa chọn. Tôi và bà con trong Xứ nói riêng, cũng như cử tri cả nước nói chung hi vọng những người được bầu là đại diện cho quyền và lợi ích của nhân dân hãy phát huy hết khả năng trí tuệ và tài đức của mình, bám sát cơ sở, gắn bó với quần chúng để kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của bà con."

Em Trần Thị Hồng Điệp, học sinh trường Trung học phổ thông Kim Sơn A, cử tri xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, lần đầu tiên tham gia bỏ phiếu, hồ hởi: Em thấy rất vui và có lẽ đây là một trong những dấu mốc đậm nét trong đời, vì lần đầu tiên được cầm lá phiếu thực hiện quyền bầu cử của mình. Dù là lần đầu tham gia bầu cử nhưng em ý thức đầy đủ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người công dân đối với việc lựa chọn những đại biểu xứng đáng thay mặt cho nhân dân.

Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi bầu cử, huyện Kim Sơn đã tập trung chỉ đạo lực lượng bảo vệ, cảnh sát giao đảm bảo an ninh tại các khu vực bỏ phiếu. Đối với 3 xã bãi Ngang, ngư dân chủ yếu sống trên thuyền gắn với nghề đi biển, huyện đã phối hợp với đồn biên phòng Ninh Bình kêu gọi tàu thuyền của các hộ có người đang làm ăn trên biển vào bờ trước ngày 22/5 để tham gia bầu cử. Huyện cũng đã chuẩn bị các hòm phiếu phụ đưa đến tận nơi cho các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện, người già yếu không thể đi bầu cử được bỏ phiếu tận nhà, tại giường bệnh.

Tất cả các điểm bầu cử trong tỉnh Thừa Thiên-Huế đều tổ chức trọng thể lễ khai mạc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trong không khí trang nghiêm, dân chủ và đúng luật định. Toàn tỉnh có 988 khu vực bỏ phiếu với 75 781.867 cử tri đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Các địa điểm bỏ phiếu đều đảm bảo ở khu vực trung tâm, trang hoàng rực rỡ, tạo được không khí sôi nỗi, phấn khởi.

Tại phường Phước Vĩnh (thành phố Huế), nơi có đến 60% cử tri là đồng bào có đạo, chủ yếu là đạo Phật và đạo Thiên chúa. Tại tổ bầu cử số 1, các sư thầy trụ trì chùa Từ Đàm đi bỏ phiếu từ sáng sớm để kịp giờ về làm lễ chùa. Chị Huỳnh Thị Hòa, 21 tuổi, cử tri phường Phước Vĩnh, thành phố Huế cho biết: Lần đầu tiên cầm lá phiếu đi bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, thấy thực sự tự hào vì được thực hiện quyền làm chủ đất nước.

Là thế hệ trẻ của đất nước, tôi mong muốn, những người trúng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ này sẽ quan tâm hơn nữa đến đời sống của thanh niên; trong đó, chú trọng đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm và bồi dưỡng kỹ năng sống, lối sống cho thanh niên. Tạo nhiều điều kiện hơn nữa để thanh niên phát huy được sức sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm. Các đại biểu nếu trúng cử cũng cần tiếp xúc với người dân nhiều hơn để kịp thời nắm bắt những phản ánh, đề xuất, nguyện vọng của nhân dân, nhất là về những vấn đề đời sống dân sinh và pháp luật.

Ngay từ 7 giờ sáng, hơn 300.000 công nhân vùng đất mỏ Quảng Ninh đã nô nức đến các điểm bỏ phiếu để lựa chọn những người đủ đức, đủ tài nhất để đại diện ý chí và nguyện vọng của nhân dân đứng trong các cơ quan quyền lực nhà nước. Ngay sau đó, họ lại nhanh chóng có mặt tại các công trường hăng say lao động để lập thành tích chào mừng ngày hội non sông đất nước - ngày bầu cử toàn dân.

Có mặt tại khai trường khu mỏ than của Công ty cổ phần than Đèo Nai (thị xã Cẩm Phả), công nhân trẻ Vũ Hồng Hải ( 22 tuổi) ở phân xưởng vận tải 6, hồ hởi cho biết: là lần đầu tiên được quyền thực hiện nghĩa vụ công dân đi bầu cử, trong nhiều ngày qua đã nghiên cứu kỹ tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên. Vào sáng ngày bầu cử, Hải dậy rất sớm đi bỏ phiếu từ đầu giờ để kịp thời gian đến công trường vào ca 1 làm việc. Hải nói, làm như vậy tôi vừa hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân với Đảng, Nhà nước vừa đảm bảo tiến độ sản xuất của công ty.

Buổi sáng tại các điểm mỏ của Công ty than Đèo Nai, mọi hoạt động lao động sản xuất diễn ra với không khí hăng say hơn, nhộn nhịp hơn. Phó Giám đốc phụ trách sản xuất của Công ty than Đèo Nai, Nguyễn Ngọc Tùng cho biết: trong ngày bầu cử 22/5, công ty đã bố trí các xe chở công nhân đi bầu cử, lịch làm việc các ca sẽ điều chỉnh cho phù hợp như vào ca chậm 1 giờ đồng hồ và cho công nhân nghỉ sớm hơn để công nhân có thời gian thực hiện nghĩa vụ và quyền công dân của mình đi bỏ phiếu tại địa phương.

Chị Diệp Thị Gái, dân tộc Sán Dìu, công nhân phân xưởng tuyển than Huyền Phù của Công ty than Đèo Nai đang cố gắng tăng năng suất lao để sớm hoàn thành khối công việc được giao và trở về nhà đi bỏ phiếu bầu cử. Chị nói: Ngay sau khi tan ca, chị sẽ trở về nhà vận động người thân cùng đi bỏ phiếu rồi mới nghỉ ngơi.

Tại Công trường khu mỏ của Công ty cổ phần than Cao Sơn (thị xã Cẩm Phả), Bí thư Đảng ủy công ty Phạm Hồng Lương cho biết: Đảng ủy công ty đã quán triệt các công nhân cũng như người thân trong gia đình không được đi bỏ phiếu hộ, phiếu của ai người ấy đi bầu. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Công ty cho biết thêm: tháng 5 này, Công ty cũng đã phát động phong trào thi đua với khẩu hiệu “An toàn, đổi mới, hiệu quả, phát triển”, tổ chức hội thi thợ giỏi để nâng cao năng suất, phấn đấu tăng năng suất trên 10%, bình quân mỗi ngày thực hiện đào 130 ngàn m3 đất đá và 380.000 tấn than nhằm lập thành tích chào mừng ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Tại khu vực Tây Nguyên, không khí ngày bầu cử ở Gia Lai tưng bừng như ngày hội, hơn 80 vạn cử tri trong tỉnh nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2015. Gương mặt ai nấy đều rạng rỡ một niềm vui - niềm tin, bởi đây là cơ hội để mình được trực tiếp chọn lựa bầu các đại biểu đủ tài, đủ đức, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Từ thành phố Pleiku cho tới các buôn làng ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đều rợp cờ hoa với băng rôn, khẩu hiệu trên khắp nẻo đường chào mừng ngày hội non sông. Gần 1.600 điểm bầu cử trên khắp các địa bàn cũng được trang hoàng lộng lẫy và nghiêm trang, tại các điểm bầu cử đều đảm bảo các điều kiện cần thiết để cho cử tri đi bỏ phiếu được thuận lợi và đúng luật. Bầu cử lần này, Gia Lai không có địa bàn nào tổ chức bầu cử sớm bởi việc đi lại không còn khó khăn, buôn làng dân tộc nào cũng đều có đường giao thông thông suốt đi lại thuận lợi cả 2 mùa mưa nắng.

Tại xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai), bà con người J'rai với những bộ trang phục dân tộc truyền thống màu sắc rực rỡ tập trung đến các điểm bỏ phiếu rất đông trước giờ khai lễ. Cả xã có 4.700 cử tri với 9 tổ bầu cử ở các buôn làng, ai nấy cũng đều hân hoan cầm tấm thẻ cử tri trong tay để chờ nhận lá phiếu bầu sớm để rồi trở về ra đồng sản xuất.

Làng nào cũng chuẩn bị những ché rượu cần, một ít xâu thịt...để mở "tiệc" mừng ngày hội non sông vào tối nay dưới mái nhà rông. Trai làng với tinh thần phải đánh chiêng hay, còn gái làng thì phải đi những vòng Xoan đẹp và uyển chuyển. Già làng K'sor Bơng ở làng Bi bộc bạch: "Già năm nay đã ngoài 70 tuổi, thấy dân làng hồ hởi đi bầu cử đông đủ là già vui lắm rồi. Già muốn dân làng có niềm tin với Đảng, với Bác Hồ để ra sức sản xuất và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không theo bọn xấu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc..."

Công tác chuẩn bị bầu cử lần này ở Gia Lai rất chu đáo, nhất là công tác tuyên truyền đối với cử tri được coi trọng, ý thức quyền và nghĩa vụ của cử tri được nâng cao. Do vậy ngay trong giờ đầu khai lễ, cử tri trong toàn tỉnh đi bỏ phiếu rất đông, điểm bầu cử nào cũng đông người.

Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử tỉnh, đến 9 giờ sáng ngày 22/5 đã có trên 70% cử tri trong toàn tỉnh đi bầu, đặc biệt có nhiều buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn các huyện Chư Pảh, Chư Sê, K'bang... đã có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt hơn 90%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục